hãy vừa làm thế liên tục vừa có lúc ngừng. Nhiều đôi vợ chồng ngày nay tìm
cách mang những khao khát chưa bao giờ đội trời chung vào dưới một mái nhà.
Nhà phân tích Robert Johnson đã viết rằng: “Tình yêu lãng mạn đã trở
thành hệ thống năng lượng vĩ đại thống trị tinh thần Tây phương. Trong văn hóa
của chúng ta, tình yêu lãng mạn đã thay thế cho tôn giáo. Ở địa hạt tình yêu lãng
mạn, đàn ông và phụ nữ tìm kiếm ý nghĩa, sự siêu việt, sự toàn vẹn và đắm say”.
Trong cuộc truy tìm một tâm hồn đồng điệu, chúng ta đã gộp chung những
cái thuộc về tinh thần với những cái thuộc về quan hệ giữa con người với nhau,
như thể chúng là một và hệt như nhau. Sự hoàn hảo mà chúng ta muốn nếm trải
trong tình yêu trần thế này, xưa kia chỉ có thể kiếm tìm trong chốn tôn nghiêm
của bậc thánh thần. Khi chúng ta nhuộm sắc bạn đời bằng những thuộc tính
thiêng liêng và kỳ vọng người đó sẽ nâng chúng ta từ sự tầm thường đến tuyệt
vời, chúng ta đã tạo ra, theo Johnson, một “bòng bong báng bổ của hai tình yêu
linh thiêng” vốn chỉ có thể khiến ta thất vọng mà chẳng giúp ích được gì.
Chúng ta vừa không ngừng đòi hỏi, vừa muốn được hạnh phúc. Chúng ta đã
mang thiên đàng xuống trần gian, đặt nó ngay trong tầm với. Ngày nay, hạnh
phúc không còn là sự theo đuổi mà là sự đòi hỏi. Chúng ta kỳ vọng người bạn đời
của ta sẽ trao cho ta tất cả những thứ mà có khi cần cả một cái làng mới đáp ứng
đủ và ta phải sống đến hai lần may ra mới hưởng hết. Những đòi hỏi của ta hoàn
toàn “quá tải” cho một mối quan hệ chỉ có hai người.
Tại nhiều hôn lễ, các cô dâu, chú rể thường rưng rưng xúc động nguyện thề,
hứa hẹn, cam kết đủ điều tuyệt vời: chung thủy, tôn trọng nhau, đồng cam cộng
khổ, không ngừng hoàn thiện bản thân, yêu nhau đến đầu bạc răng long,... Và tất
nhiên, không ít người sau đám cưới trong mơ đã tự mình phá vỡ những lời hứa
ngày nào ấy. Khi nghe cặp đôi nào đó cam kết, hứa hẹn quá nhiều trong ngày
cưới, tôi lại tự hỏi liệu họ có thể “sống sót” qua nổi kỳ trăng mật mà vẫn giữ trọn
cái danh sách lời hứa dài dằng dặc ấy hay không.
Chúng ta đã mang vào quan niệm hôn nhân tất cả mọi thứ chúng ta từng tìm
kiếm ở những mối quan hệ bên ngoài cánh cửa hôn nhân: cái nhìn say đắm, tình
dục phóng khoáng, sự cân bằng hoàn hảo giữa tự do và cam kết. Khi đã thề
nguyền và “vũ trang” đầy đủ cho hôn nhân như thế, cớ gì chúng ta lại lạc lối vào
những phút “ngoài chồng, ngoài vợ”? Sự phát triển của hôn nhân đã khiến ta từng
tin rằng ngoại tình sẽ không có chút cơ hội nào sinh sôi nảy nở vì ta đã “chặn
cửa” mọi lý do ngoại tình rồi.