Mục đích của Văn Bình là mượn tay chúng ta để giết một nhân viên
tin cậy. Hơn ai hết, y biết đó là tài liệu giả. Hắn giả vờ dại dột trả tự do cho
bà Ngọc vì biết rằng một trong hai nhân viên của lão Hoàng hiện diện khi
bà Ngọc bị bắt là nhân viên nhị trùng của ta. [4]
Tên hắn là Đàm Huân.
Hai tiếng Đàm Huân rền rang bên tai Trần Quốc Hoàn như thanh
âm kinh khủng của súng cối 81 li. Kỷ niệm lưu lại nhiều vết tích nhất trong
thính giác hắn là tiếng súng cối 81 li trong trận đánh úp Bắc Kạn làm hắn
suýt tan thành tro bụi.
Đêm ấy - cũng một đêm lạnh cuối đông đầy mưa phùn rét mướt, và
phong cảnh u uất như đêm nay - hắn đang chợp mắt trong tổng hành doanh
kháng chiến sau phiên họp dài lê thê thì súng nổ vang tứ phía. Đặc biệt là
súng cối. Đạn 81 li nổ oang oác, ầm ầm, ình ình trên không, dưới đất, bên
tả, bên hữu, ở đâu cũng nghe tiếng súng, ở đâu cũng thấy người chết. Trận
đột kích Bắc Kạn lưu trong lòng hắn một ấn tượng không thể nào mất được.
Ấn tượng ghê gớm ấy bỗng thức dậy với hai tiếng Đàm Huân.
Đàm Huân là một trong những điệp viên khôn ngoan và hữu hiệu
nhất của trú sứ Minh Ngọc. 10 năm trước, chính Trần Quốc Hoàn đích thân
lựa chọn Đàm Huân trong số các ứng viên do trú sứ đệ trình. Đàm Huân
được kết nạp vào tổ chức vì hội đủ điều kiện an ninh. Hắn là con trai duy
nhất của một gia đình thương gia di cư năm 1954 sau hiệp định Giơ-neo.
Hắn lại là tín đồ công giáo ngoan đạo.
Nghĩa là hắn thuộc thành phần được mật vụ miền Nam tin cậy.
Theo thói quen, thể thức điều tra lý lịch được giảm xuống mức tối thiểu đối
với ứng viên di cư từ miền Bắc tới, đặc biệt là tín đồ các tôn giáo. Mật vụ
Sài gòn lại thường tuyển chọn điệp viên trong các gia đình viên chức và
thương gia mà họ cho là khó bị Cộng sản tuyên truyền.
Thế mà Đàm Huân lại lọt vào vòng kiểm soát chặt chẽ của trú sứ
KGB.
Từ Hà Nội, Trần Quốc Hoàn ra lệnh cho trú sứ vận dụng mọi thủ
đoạn và phương tiện để dâng hiến Đàm Huân cho mật vụ Sài gòn. Đàm
Huân được nâng đỡ để lần lượt trèo từ trung học lên đại học. Ở Văn Khoa,