có chút tự hào dân tộc thì lần đầu tiên trong lịch sử, chiếc xe hơi được bán
nhiều nhất đã không còn là xe hơi Mỹ mà là xe hơi Nhật: xe Honda Accord
với 362.707 chiếc. Tình hình cứ ngày một tồi tệ. Trong quý I/1990, lợi
nhuận của General Motors đã giảm 46,4% nghĩa là đến 1,61 tỷ đô la theo
nhịp độ hàng năm (8,05 tỷ franc). Đầu tháng 2/1991, hãng sản xuất xe hơi
số một thế giới này đã loan báo sẽ sa thải 1.500 công nhân (15% trên tổng
số công nhân) trong hai năm. Đối với hãng Ford, mức lợi nhuận cũng đã
thụt xuống đến 58,1% tức 1,28 tỷ đô la (6,4 tỷ franc). Còn hình ảnh của
hãng Chrysler thì thật thảm hại. Mức lợi nhuận của nó đã giảm xuống đến
64% vào quý I/1990, tức 251 triệu đô la (1,25 tỷ franc). Chủ hãng này, Lee
Iacocca, đã buộc phải áp dụng các biện pháp tiết kiệm hà khắc. Những dự
báo cho quý III còn đáng báo động hơn nữa: Chrysler sẽ mất trắng 275 triệu
đô la (1,37 tỷ franc) và mức lợi nhuận của General Motors và Ford sẽ giảm
50% tức 248 và 255 triệu đô la (1,24 tỷ và 1,27 tỷ franc). Điều cực kỳ mỉa
mai là kẻ duy nhất hưởng lợi và đang tiếp tục bay đến những kỷ lục mới lại
không ai khác hơn là những xí nghiệp của Nhật Bản xây dựng trên đất Mỹ.
Năm 1989, các hãng sản xuất xe hơi Nhật đã giành được 26% thị trường
Mỹ. Năm 1990, tỷ lệ này là 30%. Có 2,5 triệu xe hơi Nhật được sản xuất
hoặc nhập khẩu vào Mỹ. Chỉ riêng đối với các loại xe hơi Nhật sản xuất tại
Mỹ, vòng nguyệt quế đã thuộc về Honda, hãng này đã vươn lên đứng hàng
thứ ba ở Mỹ trong năm 1990 ngang hàng với Chrysler (9,2% số xe được
bán) chỉ sau General Motors và Ford.
Song sự khuynh đảo chủ yếu của ngành xe hơi Nhật diễn ra ở châu Âu.
Hơn ở đâu khác, chính trên sân khấu châu Âu sẽ quyết định sự thành bại
của Nhật Bản. Thị trường châu Âu về xe hơi là thị trường số một thế giới
với 12 triệu xe được đăng ký năm 1988. 325 triệu người châu Âu mua 41%
số xe hơi bán trên thế giới. Song các hãng sản xuất xe hơi châu Âu đã tỏ ra
có những dấu hiệu thụt hơi. Thật ra, Fiat đã vươn dậy một cách ngoạn mục,
cùng lúc Peugeot đang tìm lại được một thế ổn định. Năm 1989, Peugeot đã
thu được một khoản lợi nhuận tăng lên đến 16,4% tức 10,3 tỷ franc. Thế
nhưng, Renault lại đã công bố mức lợi nhuận dự báo của mình sẽ giảm đến
60% trong năm 1990. Và trong khi 1.600 công nhân hãng Rolls Royce ở
Coventry đang bãi công trong các giờ phụ trội để đòi giữ lại giờ giải lao
buổi sáng thì số xe Nhật xin đăng ký ở châu Âu đang vượt trên 10%. Cùng
lúc, việc bán các nhãn hiệu sản xuất của châu Âu cho nước ngoài đang có
xu hướng thu hẹp lại.
Các hãng sản xuất đang băn khoăn về thời kỳ khó khăn sắp tới. Họ bí
mật rình rập xem ai trong số họ sẽ là người rơi xuống vực thẳm trước. Và
sự sụp đổ này sẽ gây chấn động. Song nó lại tạo ra chỗ trống cho những kẻ
khác nghỉ xả hơi đôi chút. Dầu sao đó cũng chỉ một giây lát thôi. Còn sau
đó là tới phiên họ. Trong số các “ứng cử viên”, có người cho là BMW, kẻ
khác cho là Renault, hoặc Peugeot vốn cũng không hẳn vững vàng cho lắm.