rộng thành phần chính phủ cho các phe phái đối lập, nhưng Diệm - Nhu
không hề lay chuyển, tiếp tục làm ngơ. Nhà Trắng vẫn đánh giá những cuộc
đấu tranh chính trị và những hoạt động đấu tranh vũ trang của Mặt trận Giải
phóng miền Nam ngày càng tăng mạnh, và tình hình khủng hoảng chính trị
kéo dài trong nội bộ chính quyền Sài Gòn là do Diệm quá độc tài, dùng
“gia đình trị”, không chịu mở rộng thành phần chính phủ cho những lực
lượng khác tham gia để tăng cường sức mạnh chống Cộng. Nhân viên CIA
ở Sài Gòn tiếp tục xâm nhập vào những phe nhóm đối lập các loại, chuẩn bị
khi có tín hiệu của Nhà Trắng lại tăng cường sức ép đối với Diệm.
Tuy vậy, trong tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn vẫn còn những nhân vật có thế lực
như đại sứ Nolting, tướng 4 sao Paul Harkin, người cầm đầu Bộ chỉ huy
yểm trợ quân sự ở Việt Nam (MACV), John Richardson, trùm tình báo Mỹ
ở Việt Nam, vẫn chủ trương duy trì Diệm - Nhu.
Ngô Đình Nhu mặc dù có lo lắng trước thất bại hàng ngàn ấp chiến lược
vừa xây dựng lên đã bị phá vỡ, nhưng lại củng cố được sự tự tin vì áp lực
của phe phái đối lập do Mỹ, Pháp giật dây, đặc biệt là Mỹ, đã có phần giảm
bớt.
Hai Long thấy cần phải tổ chức cuộc gặp mặt Ngô Đình Diệm và cha Lê,
nhằm xác định rõ vai trò của anh trong việc xây đắp lại nhịp cầu đã đứt từ
hơn chục năm nay giữa hai nhân vật chống Cộng, mà anh đều cần dùng làm
chỗ dựa để có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Cuối tháng 8, anh nói với cha Lê:
- Thưa Đức cha, sắp tới ngày lễ Thánh bổn mạng của ông Diệm, ngày lễ
này năm ngoái Đức cha chỉ đưa thiếp chúc mừng, ông Diệm, ông Nhu và
Đức cha Thục đều cảm động. Năm nay Đức cha xét xem có nên tới thăm
ông Diệm không? Ông Diệm đã nhiều lần nhắc con khi có dịp thuận lợi thì
chuyển lời mời của ông tới Đức cha, thỉnh cầu Đức cha qua thăm Phủ tổng
thống để nối lại tình xưa giữa hai nhà.
Cha Lê hỏi lại:
- Ý thầy thế nào? Đã nên tới hay chưa?
- Con nghĩ, ông Diệm đã có lời từ lâu, Đức cha vẫn chưa đáp lại, họ dễ hiểu
là kiêu kỳ. Nếu tới lần này, Đức cha nên nói rõ ý của Đức cha trước đây,