Đó là những điều đã tới tai Hai Long. Những người cho anh biết dư luận
này hoặc là có thiện chí muốn bảo vệ anh, hoặc là muốn mang câu chuyện
làm quà để nhờ vả, và cũng không thiếu kẻ muốn mượn dư luận này để gây
sức ép đối với anh. Cũng may, chưa có điều gì đụng tới thời kỳ anh bị bắt ở
trại Tòa Khâm, hay những chuyện dính dáng tới gái, tiền, địa vị...
Hai Long thường lắng nghe một cách bình tĩnh, không vội vàng thanh
minh, và suy nghĩ xem những dư luận này xuất phát từ đâu. Anh nhận thấy
nó có thể bắt nguồn từ nhiều nơi. Đầu tiên là từ những bộ hạ thân tín của
cha Hoàng và những kẻ đang chống phá ông. Rồi tới những tay chân của
Thiệu và những kẻ đang rình rập lật đổ Thiệu. Sau đó là những thế lực tôn
giáo chống đối nhau, thân chính quyền hay đối lập với chính quyền, những
kẻ thân Pháp, thân Mỹ hoặc là tay sai của những tổ chức tình báo Pháp và
Mỹ.
Anh lo ngại vì nó ngược lại với điều mình mong muốn, bỗng nhiên chuốc
lấy quá nhiều kẻ chống đối, chủ yếu bắt nguồn từ lòng đố kỵ, ganh ghét.
Anh đã bị quá nhiều người chú ý bàn tán, một điều tối kỵ đối với nhiệm vụ
của anh. Nhưng trước mắt, anh tiếp tục giữ im lặng. Mỗi khi nghe kể những
điều này, anh chỉ mỉm cười rồi lảng qua chuyện khác. Phải có thời gian và
cơ hội mới giải quyết được dư luận. Anh càng cải chính, càng kích thích
bọn chúng bịa đặt những chuyện mới để bôi nhọ thêm anh. Cơn gió mạnh
sẽ thổi qua không trở thành cơn lốc nếu nó không gặp sức cản.
Nhưng luồng dư luận độc địa này có thể quật ngã anh nếu như không sớm
chặn nó ở những nơi anh đang đứng chân.
Anh thuật lại với Thiệu những dư luận đang nhằm vào mình, đánh giá đó là
một áp lực ghê gớm nhằm tách anh ra khỏi Thiệu, và tách Thiệu ra khỏi
khối Thiên chúa giáo.
Hai Long nói:
- Tôi phân vân nhiều trước khi vào Phủ tổng thống, chính vì lo ngại những
dư luận xấu có hại cho anh cũng như cho tôi. Cuối cùng, tôi nghĩ nếu mình
giữ được tấm lòng trong sạch, ngay thẳng, không mảy may có tham vọng
cá nhân, thì kẻ xấu không dựa vào đâu để xuyên tạc mình. Nhưng bây giờ
tôi mới hiểu không hẳn như vậy.