Trong liền một tuần, bắt đầu từ 15 tháng 10, Bunker tới dinh Độc Lập 6 lần
gặp Thiệu. Thiệu tiếp tục giữ ý kiến không tán thành ngừng oanh kích trên
toàn miền Bắc, và nhất là không chịu ngồi hòa đàm cùng với Mặt trận Giải
phóng. Hai Long đã hiểu bản chất của Thiệu. Y tham lam, xảo quyệt,
nhưng đồng thời lại nhút nhát, đa nghi. Chỉ cần thấy sinh mệnh hoặc chức
vụ tổng thống của y thực sự bị đe dọa, y có thể chấp thuận bất cứ điều gì.
Mỹ mới dùng lời lẽ thuyết phục và đe dọa xa xôi, nên y chưa thật sợ. Thiệu
cho rằng, cử người tới dự đàm phán với Mặt trận Giải phóng là mở cửa cho
sự ra đi của mình. Còn khả năng cưỡng lại phút nào, y sử dụng hết phút đó.
Thời gian của Johnson không còn nhiều, Mỹ chắc chắn phải tăng thêm sức
ép. Và Thiệu sẽ đầu hàng.
Cuối tháng 10, thái độ Bunker trong những cuộc tiếp xúc với Thiệu trở nên
rất lạnh nhạt. Rồi cả Bunker lẫn Berger cũng không tới dinh Độc Lập nữa.
Thiệu lo đến bồn chồn, suốt ngày đứng ngồi không yên. Thiệu thiết tha đề
nghị Hai Long ở hẳn trong dinh với mình, đề phòng khi cần, có ngay người
trao đổi. Y luôn luôn ngó chiếc máy điện thoại, mong chờ nó đổ chuông. Y
càng thất vọng, hoảng hốt hơn khi thấy người gọi điện thoại cho mình vẫn
không phải là Bunker. Tóc Thiệu loang lổ trắng từng mảng ở gáy, mắt đỏ
lên và lờ đờ, có quầng thâm. Vợ Thiệu làm những món ăn ngon, hợp với
khẩu vị của chồng, ép Thiệu phải uống những thứ thuốc bổ tốt nhất, nhưng
Thiệu vẫn phờ phạc, mỏi mệt, mặc dù y hầu như suốt ngày chỉ ngồi chờ
chuông điện thoại reo, chẳng làm công việc gì.
Từ Washington, Trọng và Tuyến báo cáo về sắp hoàn tất nhiệm vụ. Nhờ
những giấy tờ giới thiệu, và những bạn học cũ của Tuyến tại Nhà Trắng và
bộ Ngoại giao, hai người đã tiếp xúc được với nhiều tổ chức chính quyền
và tư nhân, cũng như nhiều cá nhân có tiếng tăm. Nhiều nhân vật Mỹ nhờ
họ chuyển sách báo về tặng Hai Long. Hạ tuần tháng 10, Trọng viết thư cho
Hai Long, nói công việc đã xong, phái đoàn sắp trở về, và theo những
nguồn tin đáng tin cậy ở Nhà Trắng, Johnson sắp ra lệnh ngừng ném bom
và pháo kích trên phần còn lại của Bắc Việt Nam, cuộc hòa đàm ở Paris sẽ
bắt đầu với sự có mặt của Mặt trận Giải phóng dù Việt Nam cộng hòa
không tham dự.