Các học giả khác thì nhấn mạnh đến vai trò của người Việt Nam trong
GBT. Theo Cecil B. Currey, từ năm 1942 các cán bộ Việt Minh dưới sự
lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Phạm Văn Đồng… đã
cung cấp những thông tin hữu ích cho hoạt động tình báo của Đồng Minh -
nhóm GBT. Phóng viên Robert Shaplen có quan điểm hơi khác về sự hợp
tác này. Ông nhấn mạnh hợp tác của GBT với Việt Minh nhiều hơn là
ngược lại: "Đến với ông (Hồ Chí Minh) là đại diện của nhóm dân sự các
cựu doanh nghiệp Mỹ ở Đông Dương đã có thời cộng tác với người của
ông". Vì mạng lưới của Gordon - Tan rõ ràng đã có những mối liên lạc tốt
nên OSS biết cơ quan này cần tìm hiểu nhiều hơn về họ cũng như về toàn
bộ tình hình tại Đông Dương thuộc Pháp.
Được giao nhiệm vụ tháo gỡ những bí mật của GBT là thiếu tá Austin
Glass - người cũng đã được Coughlin phái đi điều tra Larson và tổ chức của
Meynier. Glass rời Washington đến mặt trận Trung Quốc tháng 1 năm 1944
và dành cả năm tiếp theo thực hiện công tác tình báo bí mật (SI) trong và
ngoài Đông Dương. Trên phần lớn các phương diện, ông là lựa chọn tuyệt
vời cho vị trí này. Sau khi học tập 4 năm tại Đại học Michigan, mới ngoài
20 tuổi Glass đã lên đường sang Việt Nam. Hai mươi nhăm năm tiếp theo
ông làm cho Hãng Dầu lửa Standard, lập gia đình với một phụ nữ Việt
Nam. Năm 1937 ông về hưu, sống cuộc sống tương đối nhàn nhã như "một
người làm vườn và trồng lúa" gần Hải Phòng. Mùa xuân năm 1942 ông
được hồi hương trong đợt trao đổi tù binh dân sự và ngoại giao lần thứ nhất
với Nhật Bản. Ông trở về Mỹ trên tầu Gripsholm của Thuỵ Điển rồi ra nhập
quân đội. Cuối năm đó ông vào OSS. Đã từng sống ở Đông Dương 30 năm,
Glass thông thạo tiếng Pháp cũng như "các thứ tiếng bản xứ", ông được mô
tả là "được cả người Pháp cũng như người bản xứ yêu mến một cách khác
thường" và có hiểu biết sâu rộng "về đất nước và con người khu vực này"