Tâm lý thị trường. Các thị trường trở nên rất háo hức về các IPO trừu tượng
– những cổ phiếu có ước mơ và câu chuyện nhưng không có lợi nhuận. Khi
các cổ phiếu như thế này lao dốc, chúng có thể nhanh chóng giảm 70%
hoặc hơn nữa. Như thể có một cơn lốc đã càn quét qua danh mục đầu tư của
tôi vậy. Tôi bị mất 12% trong tháng đó và quyết định bán sạch mọi thứ. Có
một cổ phiếu mà tôi đã mua ở mức 18, nhưng phải bán ở mức 2.
Nếu các cổ phiếu này giảm nhiều như vậy, sao ông giữ chúng lại phòng
khi chúng bật lại? Sau khi ông bán sạch chúng thì chuyện gì xảy ra?
Chúng có bật lại, nhưng không nhiều. Khi thanh lý các cổ phiếu này xong,
tôi dùng tiền để mua các loại cổ phiếu mà lẽ ra tôi nên mua – tức là các
công ty làm ăn tốt với mức giá cao hơn nhiều.
Vậy là ông đã đi trật triết lý của mình?
Đúng, lại một lần nữa. Giống như một tên nghiện đã cai thuốc được 3 năm,
sau đó gặp tay buôn ma túy có thể thuyết phục anh ta bắt đầu chơi lại. Tôi
không có ý đổ lỗi cho người khác đã thuyết phục mình. Đó là lỗi của tôi khi
cho phép bản thân nghe lời họ. Tôi nghĩ rằng tôi đã học được cách không
giao dịch dựa trên các tin đồn nữa. Cũng may mắn là tôi nhanh chóng quay
trở lại mua cổ phiếu các công ty mà tôi yêu thích. Đến cuối quý đó, tôi đã
lấy lại tất cả những gì đã mất.
Tôi đoán ý ông là việc nắm giữ các cổ phiếu thua lỗ là một sai lầm lớn,
ngay cả khi chúng bật lại, vì lẽ ra số tiền đó đã có thể được sử dụng hiệu
quả hơn vào việc khác.
Hoàn toàn chính xác. Bằng cách loại chúng ra khỏi danh mục đầu tư của
mình và tái đầu tư vào cổ phiếu mạnh, tôi kiếm được nhiều tiền hơn là giữ
lại chúng và trông chờ con mèo chết ngóc đầu lên.
Ông có nói chuyện với tất cả các công ty không?