8.4. Một người bắt đầu viết đã phá vỡ sự bế
tắc
June xuất thân từ một gia đình có truyền thống viết văn. Cả cha và mẹ
cô đều sống bằng nghề viết – mẹ cô là nhà viết tiểu thuyết, còn cha cô là
một giáo sư đại học. Anh trai cô là một nhà báo và anh ta rất tự hào về khả
năng viết được ở mọi nơi, mọi lúc – dù trên máy bay hay trong bốt điện
thọai – miễn là thời hạn nộp bài sắp hết.
Gần như suốt cuộc đời, June phải chịu áp lực của truyền thống gia
đình. Mỗi khi phải đối diện trước tình huống buộc phải viết, cô đành xin lỗi
và than thở rằng tài năng viết văn của cô đã bị những người trong gia đình
lấy hết.
Là một nhân viên trẻ tuổi trong một công ty marketing, cô đảm nhận
việc nghiên cứu thị hiếu khách hàng và phải đưa ra được những thông tin
mang tính đột phá. Tổng biên tập của một tạp chí thương mại nghe phong
thanh được việc này và gọi cho ông chủ của June, đề nghị June viết một bài
báo về kết quả nghiên cứu của cô. Thấy đây là một cơ hội tốt cho cả June
và công ty nên ông chủ đã nhận lời.
Khi được giao nhiệm vụ, June rất lo lắng. Mỗi khi ngồi vào viết, dù có
cố gắng đến mấy, kết quả cũng chỉ là bàn tay ướt đẫm mồ hôi và sọt rác đầy
giấy loại. Thời hạn thì ngày càng đến gần, vậy mà cô vẫn chưa viết được từ
nào.
Một hôm, khi đang ăn trưa cùng đồng nghiệp, cô bỗng buột miệng
than phiền về tình huống khó xử của mình. Pam, một trong số các đồng
nghiệp của cô, nói: “Sao bạn lại quá lo lắng như vậy? Bạn là một trong số
những người có khả năng nói tốt nhất mà tôi từng biết. Khi bạn phát biểu,
những lời phát biểu của bạn rất chặt chẽ và dễ hiểu. Tại sao bạn không
tưởng tượng là đang đứng phát biểu và viết những lời phát biểu đó ra
giấy?”