Nhưng cũng có khi, thay vì vùng dậy ngay khỏi giường khi đó, bạn lại tiếp
tục nằm để đấu tranh với chính mình.
“Nhưng, đi chơi sẽ mất hai giờ đồng hồ, mà mình chỉ ở thêm một tiếng
nữa, chiếc giường này sao mà dễ chịu thế. Thôi, mình sẽ ngủ tiếp”.
Trong trường hợp này, bạn đã xác định được lợi ích của hành động
khác hấp dẫn hơn. Cho dù điều đó có đem lại cho bạn cảm giác gì, có tốt
hơn cho bạn hay không, thì bạn vẫn muốn lựa chọn.
Bạn cũng có thể bỏ qua trình đấu tranh với chính mình khi bạn quyết
định thay đổi hành động, đó là đi đến trường cổ vũ cho một người bạn,
tham dự cuộc họp, trồng rau, bài trí lại nhà cửa hoặc làm bất cứ một điều gì
mà bạn cảm thấy có lợi hơn là nguy cơ, hoặc có lợi nhiều hơn khi làm
những việc khác.
Tất cả những gì bạn làm đều hứa hẹn mang lại lợi ích cho bản thân, nếu
không bạn sẽ không có động cơ để làm điều đó.
Thử hình dung, bạn vừa được mời làm việc tại một quốc gia khác. Khi
bạn tự hỏi: “Điều này có ý nghĩa gì đối với mình?” là bạn đang cân nhắc về
mức lương, cơ hội thăng tiến, chi phí nhà ở, thời tiết, tỷ lệ tội phạm, chất
lượng ở vùng đất mới, nơi làm việc có cách xa nhà người thân của bạn hay
không, các nơi vui chơi giải trí có phù hợp với bạn hay không, và cân nhắc
đến hàng loạt các yếu tố khác nữa.
Chúng tôi gọi động cơ mà bạn có được để làm một điều nào đó là
“WIIFM” (được phát âm là wiiffum), một từ cấu tạo từ chữ cái đầu của các
từ “What’s in it for me?” (Điều này có ý nghĩa gì đối với mình?). Và khi
bạn cân nhắc đến bất kỳ điều gì, chuyển đến một quốc gia mới hay học một
kỹ năng mới, bạn sẽ không có động cơ để thực hiện nếu WIIFM không
nặng ký với những nỗ lực và nguy cơ liên quan đến điều đó, hoặc thấp hơn
những lợi ích mà bạn có khi làm công việc khác.