giai cấp thợ thuyền.
Chỉ bằng ấy giới vừa kể mà muốn thanh trừng sâu bọ thì quả thực cũng
phải suốt vài năm, xét vì số sâu bọ không phải ít.
Ngoài ra còn biết bao nhiêu thứ trí thức ác ôn – từ những sinh viên luôn
luôn hăng say đến những gã lập dị, những học giả suốt đời đi tìm sự thực
và những “ông đạo” điên khùng mà chính Phê-rô đại đế ngày xưa cũng đã
tính tẩy uế không xong, xét vì những hạng người nói trên bao giờ cũng là
một mối nguy cho một chế độ khắc khổ và tôn tri trật tự.
Sâu bọ phải tẩy uế nhiều đến như vậy lại giữa thời buổi chiến tranh thì làm
sao tiến hành công tác “vệ sinh” đúng nguyên tắc pháp lý cổ lỗ sĩ, đúng thủ
tục tư pháp bình thường? Đến bao giờ cho xong? Nhà nước bắt buộc phải
có chính sách mới: vấn đề tư pháp gạt qua một bên, phải có người cán bộ
xung phong nhận lãnh công tác khó khăn bạc bẽo này. Còn ai ngoài mấy
ông Cheka, những Hiến binh của Cách mạng? Xưa nay trong lịch sử loài
người đã có một cơ quan nào phải làm nhiều việc như Cheka? Theo dõi
điều tra, câu lưu, thẩm cung rồi truy tố là Cheka. Xử án, tuyên án và thi
hành bản án cũng Cheka luôn!
Năm 1918 nhận thấy còn phải đẩy mạnh chiến thắng văn hoá của Cách
mạng nên có lệnh khám xét các nhà thờ, tu viện. Ảnh tượng Chúa liệng ra
đường, mọi món đồ thờ bằng kim khí tịch thu. Thấy những nơi thờ tự bị
cướp phá trắng trợn, giáo dân phải phản ứng bảo vệ nên gây ra xáo trộn: đó
đây cứ nghe những hồi chuông khua báo động là tín đồ Chính thống giáo
vác gậy kéo đến. Kết quả thường là một số bị bắn hạ ngay tại trận để làm
gương còn bao nhiêu bị bắt hết.
Bước qua giai đoạn 1918-1920 thì công việc kiểm kê các đợt sóng lao tù
đâm khó khăn. Có thể kể như một đợt được không, khi những nạn nhân
chưa được tống vô khám đường thiệt thọ đã mất mạng rồi? Xếp vào loại
nào những kẻ không may bị các ông Ủy ban Bần cố nông
mời ra trụ sở, tống vô một chái nhà kế bên hoặc đẩy tuốt vô sân sau và bỏ
mạng tại chỗ.
Hồi đó tỉnh nào thị xã nào chẳng khám phá ra một vài tổ chức ngầm toan