năm trời. Dần dần xảy ra tình trạng con vẫn thừa sức bưng nhưng mẹ đã
không còn sức nấu. Tới một ngày, mẹ thằng Cải quài tay ra sau lưng đấm
bình bịch và buồn rầu kêu nó tắt bếp, dẹp nồi, đẩy xe vô nhà. Quán hủ tiếu
dẹp tiệm từ đó. Cũng từ ngày đó, Cải ra quán Đo Đo. Quán Đo Đo những
ngày đầu không chỉ có Cải. Hôm khai trương còn có con Kim. Con Kim
trước đây là "lính" của cô Thanh, lúc áo gió buôn sang Nga còn thịnh. Đến
thời buôn bán xập xệ, cô Thanh bỏ về nhà nằm, con Kim đi bán phân u-rê
quấy quá một thời gian rồi cũng kiếm chỗ nằm nghiền ngẫm nỗi buồn thất
nghiệp. Vì vậy, khi cô Thanh mở quán, ới một tiếng là con Kim tót ra ngay.
Cũng như Cải, Kim là người Hoa. Chỉ khác một chi tiết: thằng Cải Quảng
Đông, còn con Kim Quảng Tây. Chuyện trớ trêu cũng từ đó mà ra.
Quán Đo Đo treo tấm bảng đằng trước, ghi hàng chữ to đùng "Chuyên
bán các món ăn xứ Quảng". Quảng đây tức là Quảng Nam. Các món ăn ở đây
dĩ nhiên cũng là các món Quảng Nam: mì Quảng, cao lầu, bánh bèo, bánh
đập...
Khách xứ Quảng đều là dân lưu lạc, thấy có cái quán quê hương ngay
giữa Sài Gòn thì xúc động lắm. Đang chạy ngang, khách bóp thắng nghe cái
rét.
Vừa dừng xe, thấy thằng Cải nhiệt tình ra dựng xe giúp, khách càng hài
lòng.
Khách vỗ vai Cải, tỏ thân thiện:
- Cháu người Quảng hả?
- Dạ! - Cải lễ phép.
Khách nhíu mày: