QUỐC GIA KHỞI NGHIỆP - Trang 98

Quốc gia khởi nghiệp Ebook.vn

Các học sinh đã chờ được một lúc, với sự háo hức thường dành cho các ngôi sao nhạc rock.
Rồi khoảnh khắc đó cũng đến. Hai người Mỹ bước vào qua cửa hậu, bắt tay cánh phóng viên
và những nhóm người xung quanh. Đây là chặng dừng chân duy nhất của họ tại Israel, ngoài
Văn phòng Thủ tướng.

Những người sáng lập Google sải bước vào hội trường, và đám đông reo lên. Những học
sinh không thể tin vào mắt mình. “Sergey Brin và Larry Page... đang ở trong trường chúng
tôi”, một học sinh tự hào nhớ lại. Điều gì đã khiến cặp đôi lừng danh nhất thế giới công nghệ
đến ngôi trường Israel này, mà không phải nơi nào khác?

Câu trả lời có ngay khi Sergey Brin cất lời. “Thưa các quý ông và quý bà, các chàng trai và cô
gái”, anh nói bằng tiếng Nga, sự lựa chọn ngôn ngữ này tạo ra tràng pháo tay không dứt.
“Tôi rời Nga khi mới sáu tuổi”, Brin tiếp tục “Tôi đến Mỹ. Giống như các bạn, cha mẹ tôi là
người Nga gốc Do Thái điển hình. Cha tôi là giáo sư toán. Họ đều có quan điểm nhất định
với việc học. Và tôi nghĩ mình có thể liên hệ với nơi này, vì tôi được kể rằng trường các bạn
gần đây đã giành được 7 trong tổng số 10 giải thưởng tại một cuộc thi toán toàn quốc”, Brin
tiếp tục.

Lần này các học sinh vỗ tay cho chính thành tích của họ. “Nhưng điều mà tôi phải nói,” Brin
tiếp tục, cắt ngang tràng pháo tay, “cũng chính là điều cha tôi sẽ hỏi - “Thế ba giải lại thì
sao?”

[94]

Hầu hết học sinh tại Shevach-Mofet, giống Brin, đều là thế hệ thứ hai của người Nga gốc Do
Thái. Shevavh-Mofet tọa lạc tại khu vực công nghiệp ở phía Nam Tel Aviv, phần nghèo hơn
của thị trấn, và nhiều năm liền nổi danh là một trong những ngôi trường khó ưa nhất thành
phố.

Chúng tôi biết về lịch sử ngôi trường từ Natan Sharansky, người nhập cư Xô Viết gốc Do
Thái nổi tiếng nhất Israel. Ông trải qua mười bốn năm trong các nhà tù và trại lao động
trong khi tranh đấu cho quyền di cư, và là một “refusenik” nổi tiếng nhất - cụm từ dùng để
chỉ những người Xô Viết gốc Do Thái bị từ chối quyền được di cư. Ông trở thành phó thủ
tướng Israel chỉ vài năm sau khi được đi khỏi Liên bang Xô Viết. Ông đùa với chúng tôi rằng
trong đảng Người Nga nhập cư của Israel mà ông thành lập không lâu khi đến, các chính trị
gia tin rằng họ nên noi gương kinh nghiệm của cá nhân ông: Đi tù trước khi bước vào con
đường chính trị, không còn cách nào khác cả.

Sharansky nói với chúng tôi tại nhà riêng ở Jerusalem rằng: “Tên ngôi trường là Shevach
(tạm dịch: Lời khen ngợi)”. Đây là ngôi trường trung học thứ hai mở tại Tel Aviv, khi thành
phố này được xây mới vào năm 1946. Nó là một trong số những trường mà thế hệ mới của
người Israel bản địa đến học. Nhưng vào đầu những năm 1960, “các cơ quan chức năng bắt
đầu thử nghiệm chương trình hòa nhập, hơi giống nước Mỹ”, ông giải thích. “Chính quyền
nói chúng ta không thể có những ngôi trường sabra thế tục, chúng ta phải đem những
người nhập cư từ Morocco, Yemen và Đông Âu - hãy trộn tất cả lại”

[95]

.

Liên Kết Chia Sẽ

** Đây là liên kết chia sẻ bới cộng đồng người dùng, chúng tôi không chịu trách nhiệm gì về nội dung của các thông tin này. Nếu có liên kết nào không phù hợp xin hãy báo cho admin.