Đầu thập niên 30, ông Chỏi và ông Trần Văn Hạnh, y sĩ Đông Dương bảo
lãnh nợ ngân hàng cho một người bạn trong Hội đồng quản hạt và khi ông này
phá sản thì ông Chỏi cũng mất hết sản nghiệp. Lúc đó, ông chỉ còn 10 mẫu đất
mới khẩn ở vùng Thị Vải nhờ người em có quốc tịch Pháp đứng tên nên mới giữ
được.
Rồi chiến cuộc tràn lan, kinh tế loạn lạc. Đến năm 1946, Việt Minh tiêu thổ
kháng chiến đốt hết nhà ở Thị Vải, ông bỏ về Bình Hòa sống với bản án địa chủ
của Việt Minh. Đến đầu thập niên 1950, tình hình an ninh vùng phụ cận Sài Gòn
tốt hơn, ông lo phục hồi các nơi thờ phượng đã đổ nát, hoang phế vì chiến cuộc.
Ông đã bỏ nhiều công của xây dựng đình Bình Hòa khang trang như ngày nay.
Con ông là Bà Nguyễn Thị Nam sinh 1905, giáo viên trường Nữ công Gia
Định nằm trong khuôn viên trường Chi Lăng ngày nay. Bà sống độc thân, nuôi
dưỡng cha và đàn cháu. Rất khéo việc bếp núc làm bánh trái, sống bình dị và cần
kiệm. Ngoài việc đi dạy, bà còn buôn bán nữ trang đá quý. Đến năm 1959, trước
khi cha là ông Chỏi mất, bà còn cất lại được căn nhà của ông lúc đó đã mục nát.
Về hưu, bà theo đạo Cao Đài trong giáo phẩm Phối Sư. Thánh danh là Hương
Nam.
Con trai ông Chỏi, em bà Nguyễn Thị Nam là Nguyễn Văn Trường sống
một cuộc đời khá độc đáo. Ông Trường là con trai duy nhất của ông Chỏi nên rất
được yêu thương chiều chuộng. Bà nội của ông không muốn rời xa cháu nên ông
không được ra học ở Hà Nội như những con nhà giàu thời bấy giờ.
Sau khi đậu được bằng C.E.F (Certificate d’etude primaire - Tiểu học Pháp)
năm 16 tuổi, tuy muộn mằn nhưng ông vẫn được thưởng chiếc xe hơi thể thao
Amica course và súng săn. Ông ham chơi thể thao, mê chơi banh đến gẫy xương
chân. Muốn chơi quần vợt thì cha cho làm sân ngay sau nhà mà chơi. Rồi đi săn
bắn…
Ông Trường lập gia thất (1932) thì cảnh nhà đã sa sút. Ông lấy vợ là bà
Huỳnh Thị Bởi, gốc gác họ Từ Tấn ở Bình Định có quan hệ với nhà Nguyễn Tây
Sơn nên vào Nam đổi thành họ Huỳnh. Ông đi làm cho các hãng tư như Bachaud
frères, Descours Cabaud, Lò sát sinh Chánh Hưng… Năm 1945, ông tham gia