nhóm có nam nữ đủ cả, nhưng các cây bút nữ có nội lực dồi dào, đều tay, sâu
lắng hơn. Thật là dễ hiểu vì lúc đó các chị đã chững chạc hơn so với các anh đồng
tuổi còn ham chơi.
Các Thi văn đoàn là cái nôi cho một hoạt động ngoại khóa rất sôi nổi ở
trường học lúc đó là làm bích báo (báo tường) và Nội san. Đến giờ chắc nhiều
người ở các đô thị miền Nam còn nhớ những cuốn Nội san hầu hết in ronéo, nét
vẽ và trình bày phần nhiều ngô nghê, vụng dại và thường có “Lời nói đầu” của
một vị giáo sư với giọng văn nghiêm cẩn, đôi khi khô khốc và cũng lơ tơ mơ với
nghiệp viết lách như học trò. Các cuốn Nội san đó, hình thành ý tưởng từ mùa
Noel, bắt đầu nhận bài lai rai cho đến khi thi xong là một nhóm học trò bắt đầu lo
vẽ minh họa, trình bày, quay ronéo, đóng tập.
Ông anh thứ năm của tôi, người vẽ một số tranh minh họa trong cuốn sách
bạn cầm trên tay, lúc đó đang học trường Trung học Hoài An ở Phú Nhuận đã vẽ
nhiều tranh trên giấy stencil để minh họa bài. Anh bảo các bài viết thường chán
và sáo, tìm ý mãi không ra nên thường vẽ đại với hình thiếu nữ tóc dài mộng mơ
đang nghiêng đầu, hay ôm cặp đi dưới hàng cây. Vậy là đủ, học trò ai cũng thích