1. Những lỗi kiểu “Qua kinh nghiệm cho nên ta thấy
rằng”
A. PHÂN TÍCH LỖI: Trong kiểu lỗi này học sinh vô tình xử lý trạng
ngữ như một câu (mệnh đề) phụ, trong câu phụ đó chủ ngữ được hiểu ngầm
cũng chính là chủ ngữ của phần sau của câu (mà học sinh coi là mệnh đề
chính). Do đó, các em dùng một liên từ giữa trạng ngữ và phần sau của câu.
Kiểu lỗi này đặc biệt hay gặp ở trạng ngữ mở đầu bằng một động từ
dùng như giới từ (qua, thông qua, về...). Điều cần lưu ý là ngay cả trường
hợp động từ được dùng như động từ (làm trung tâm của một động ngữ,
trước bổ ngữ chẳng hạn) thì kiểu câu này trong đa số trường hợp vẫn không
ổn. Ví dụ như câu: “Qua sông cho nên ta dùng thuyền”.
B. SỬA LỖI: Kiểu câu sai này có thể chữa bằng cách bỏ liên từ nối
phần sau của câu và thay vào đó dấu phẩy: như vậy ta sẽ có một câu với
trạng ngữ đứng ở vị trí đầu câu. Chẳng hạn như câu: “Qua kinh nghiệm cho
nên ta thấy rằng”, sẽ được viết lại cho đúng như sau: “Qua kinh nghiệm, ta
thấy rằng”.
C. NHỮNG TRƯỜNG HỢP TƯƠNG TỰ:
- Với tinh thần hăng say chiến đấu cho nên chúng ta nhất định sẽ thắng
được bọn đế quốc xâm lược.
- Để đáp lại công lao của tổ tiên đã có công dựng nước do đó chúng ta
phải ra sức bảo vệ đất nước.
- Sau khi bị bọn thực dân đế quốc xâm lược nên nhân dân ta phải chịu
nhiều hi sinh mất mát.