về Hàm Dương như cũ và phong ấp cho Văn Tín Hầu ở Hà Nam. Được hơn
một năm, các tân khách cùng sứ giả của chư hầu đến thăm Văn Tín Hầu lũ
lượt ở trên đường. Vua Tần sợ Văn Tín Hầu làm loạn, bèn viết thư nói:
“ Ông có công gì với Tần, mà Tần phong ông ở Hà Nam, ăn thuế của mười
vạn hộ. Ông thân thích gì với Tần mà hiệu là Trọng Phụ ? ”
Rồi bắt đem cả nhà dời sang Thục. Lã Bất Vi tự liệu sẽ bị giết bèn uống
thuốc độc tự tử. Những người vua Tần giận là Lã Bất Vi và Giao Ái đều đã
chết. Nhà vua bèn cho những người nhà của Giao Ái bị đày vào Thục được
trở về. Năm thứ mười chín đời Thủy Hoàng, thái hậu mất, tên thụy là Đế
thái hậu; chôn một chỗ với Trang Tương Vương ở Chỉ Dương.
4. Thái sử công nói:
Lã Bất Vi và Giao Ái đều thành những người sang, được phong làm Văn
Tín Hầu, Trường Tín Hầu. Có kẻ tố giác Giao ái. Giao Ái nghe tin vua Tần
sai tìm chứng cứ. Trong khi các quan hầu chưa tìm ra chứng cứ thì nhà vua
ra ngoài thành Ung. Giao Ái sợ mang vạ bèn cùng đồ đảng bày mưu lấy ấn
của thái hậu, đem quân làm phản ở cung Kỳ Niên. Nhà vua sai quân đánh
Giao Ái. Giao Ái bỏ chạy. Binh sĩ đuổi theo chém y ở Hảo Chi, sau đó giết
cả họ Ái. Lã Bất Vi vì thế mà bị truất. Họ Lã phải chăng là người “ có tiếng
” như Khổng Tử nói (3)?
...............................................................
(1). Miêu tả tâm lý thương nhân rất sinh động.
(2). Một cách quảng cáo đặc biệt của thương nhân.
(3). Luận ngữ thiên “ Nhan Uyên ”. Khổng Tử nói “ ... Con người (mà
người ta gọi là) có tiếng bên ngoài có vẻ theo nhân, nhưng việc làm thì
trái...”. Ý nói là kẻ nịnh hót.
o0o