« …Ngoài ra, Nhà vua phái các viên quan Tùng sự (TS’ONG CHE)
đi khắp miền Nam lãnh thổ phổ biến nền văn minh bản quốc gọi là chiến
dịch NAM TUYÊN QUỐC HÓA, và các vị Quốc vương ngoài biên cảnh
như Phù Nam, Lâm Ấp và Đường Minh (T’ANG MING) đều có gởi phái
đoàn Sứ giả đến dâng lễ cống ».
Quốc vương Fan-Tchan có tiếp một du khách tên KIA-SIANG-LI
(Gia-tường-Lê) quê ở tiểu bang T’AN-YANG, người Tàu dịch là Đàm
Dương, thuộc vùng phía Tây Ấn Độ, đến Phù Nam. Du khách tường
thuật những chuyện lạ về đất Ấn dưới triều đại Murunda (người Tàu dịch
là MEOU-LOUEN) như phong tục tập quán, việc thi hành luật pháp, sự
giàu có, ruộng đất phì nhiêu. Ông nói rằng ai muốn vật gì cũng có và
nhiều đại cường quốc thần phục quốc gia này từ nhiều thời đại.
Fan-Tchan hỏi : « Từ đây đến đó bao xa, phải đi mất bao lâu mới
tới ? »
Kia-Siang-Li tâu : « Nước Ấn Độ cách xa hơn 30.000 lý, đi và về
phải mất ba năm hay bốn năm, đó là trung tâm điểm của Trời và Đất ».
Nhà vua mê say đến đỗi phái một người bà con tên SOU-WOU,
người Tàu gọi là TÔ-VẬT, làm Sứ giả đi từ hải cảng T’EOU-KIU-LI
(Đầu-Câu-Lợi) có lẽ là TAKKOLA ở bán đảo Mã Lai, theo một cái vịnh
lớn thẳng hướng Tây Bắc, qua nhiều biển và nhiều quốc gia ngót một
năm mới ngược dòng sông Hằng Hà dài 7.000 lý đến triều đình Vua
VASUDEVA. Phái đoàn khởi hành vào năm 240. Vua Ấn rất ngạc nhiên
khi thấy phái đoàn Sứ giả triều kiến. Ngài phán rằng : « Ở tận cùng bờ
đại dương còn có người ở nữa hay sao ? »
Ngài truyền cho bá quan đưa Sứ giả du ngoạn khắp lãnh thổ và gởi
tặng Vua Phù Nam 4 con ngựa Nguyệt thị (indo-scythe), người Tàu dịch
là YUE-TCHE và cho 2 viên quan mà một vị tên TCH’EN-SONG (Trần-
Tống) đi theo về Phù Nam để cám ơn Nhà vua. Khi SOU-WOU trở về
vào năm 245, tính ra cuộc du hành mất 4 năm.