dựng những lực lượng dự bị mới và lớn, bảo đảm chiến đấu và bảo đảm về
vật chất cho bộ đội, chỉ định hoặc thuyên chuyển cán bộ lãnh đạo của các
Lực lượng vũ trang và những vấn đề khác.
Còn về việc liên lạc với Xta-lin, sẽ không quá cường điệu nếu tôi nói
rằng: kể từ mùa xuân năm 1942 và suốt trong những thời gian tiếp sau của
cuộc chiến tranh, tôi chỉ không nói chuyện bằng điện thoại với đồng chí đó
trong những ngày đầu tháng Tám năm 1943 khi đồng chí đi gặp các tư lệnh
Phương diện quân Tây và Phương diện quân Ca-li-nin và trong những ngày
đồng chí tham dự Hội nghị những người đứng đầu chính phủ ba nước tại
Tê-hê-ran (từ những ngày cuối tháng Mười một đến ngày 2 tháng Chạp năm
1943).
Vì tôi đã đề cập đến vấn đề hoạt động của các đại diện của Đại bản
doanh, nên dù chỉ phân tích ngắn gọn về mối quan hệ giữa họ với Bộ Tổng
tham mưu cũng là thỏa đáng.
Người đại diện có trách nhiệm của Đại bản doanh bao giờ cũng do Tổng
tư lệnh tối cao chỉ định và trực thuộc đồng chí đó. Nhưng ngay sau khi nhận
được chỉ thị và nhiệm vụ ra mặt trận, thông thường người đại diện đó tới Bộ
Tổng tham mưu nhằm tìm hiểu tất cả những tin tức cần thiết để hoàn thành
nhiệm vụ một cách có kết quả.
Ở Bộ Tổng tham mưu, đại diện của Đại bản doanh nghiên cứu tỉ mỉ ý
đồ chiến dịch, kế hoạch tiến hành chiến dịch theo từng giai đoạn, những
nhiệm vụ sắp tới của các phương diện quân mà đồng chí đó được phái đến,
tìm hiểu nhiệm vụ của các phương diện quân kế cận. Đồng chí đó chú ý
nhiều đến những vấn đề đảm bảo về mặt vật chất cho chiến dịch và đặc biệt
là cho lực lượng dự bị mà các phương diện quân này có thể trông cậy trong
quá trình chiến dịch, vì biết là tư lệnh các phương diện quân luôn luôn quan
tâm rất nhiều tới lực lượng đó, và ngay chính bản thân đồng chí đó cũng
biết rất rõ ý nghĩa của lực lượng dự bị trong việc thực hiện thắng lợi các
nhiệm vụ của chiến dịch.