thức. Hình như lúc bấy giờ tôi mới hoàn toàn thấy hết tác dụng của từng
quân chủng và binh chủng trong hệ thống các Lực lượng vũ trang.
Ban huấn luyện tác chiến của Bộ Tổng tham mưu đã tính đến tình hình
quốc tế căng thẳng. Nước Đức đã gây ra hết cuộc xâm lược này đến cuộc
xâm lược khác. Tháng Ba năm 1938. Đức chiếm Áo, và đến tháng Chín thì
người ta ký bản hiệp ước Muy-ních nhục nhã về việc thôn tính vùng Xu-đét
của Tiệp Khắc. Tình hình ở Tây Ban Nha ngày càng rắc rối, tình thế của
những người bảo vệ chế độ cộng hòa xấu đi.
Nguy cơ từ phía Nhật Bản đối với đất nước xô-viết cũng tăng lên.
Tháng Bảy năm 1938, bọn quân phiệt Nhật đã vũ trang tiến công vào lãnh
thổ Liên Xô ở hồ Kha-xan. Chúng muốn thăm dò sự sẵn sàng chiến đấu của
ta. Sau khi được lệnh của Bộ chỉ huy quân sự, ngày 2 tháng Tám, bộ đội
Liên Xô đã chuyển sang tiến công.
Chiến sự kéo dài một tuần lễ. Quân Nhật gồm hai sư đoàn bộ binh, một
lữ đoàn bộ binh, một lữ đoàn kỵ binh cũng như mấy trung đoàn xe tăng và
tiểu đoàn súng máy độc lập, được 70 máy bay chiến đấu yểm trợ, đã bị
đánh bại, tàn quân của chúng bị đánh bật ra khỏi lãnh thổ Liên Xô. Trong
các trận đánh này, bộ đội Hồng quân đã tỏ ra có sức chiến đấu lớn mạnh
hơn trước, có tinh thần và bản lĩnh chiến đấu cao.
Những trận đánh ở hồ Kha-xan xác nhận những điều cơ bản của các
điều lệnh và điều lệ quân sự Liên Xô là đúng đắn và phù hợp với những đòi
hỏi của tình hình và của kỹ thuật chiến đấu mới. Đồng thời, những trận
đánh đó cũng bộc lộ một số thiếu sót trong việc huấn luyện chiến đấu của
bộ đội tập đoàn quân Viễn Đông (Pri-mô-ri-ê), đặc biệt trong hiệp đồng tác
chiến giữa các binh chủng, trong việc điều khiển bộ đội và sự sẵn sàng động
viên của bộ đội.
Việc phân tích kinh nghiệm ở hồ Kha-xan đã đưa tới những điều sửa đổi
việc huấn luyện chiến đấu và chiến dịch của bộ đội và các bộ tham mưu.