cho vị trí công việc này…” chắc chắn sẽ giúp bạn để lại ấn tượng đẹp và
cũng sẽ xây dựng nên hình ảnh “bạn – một người chu đáo, sâu sắc”.
Một cách khác để đảm bảo cho lời cảm ơn thêm phần ý nghĩa là hãy nêu
lý do tại sao bạn cảm ơn họ, chẳng hạn như: “Xin cảm ơn sự kiên nhẫn/lời
khuyên của anh/chị” đối với người bán hàng vì đã giúp bạn quyết định nên
mua đôi giày nào; “Cảm ơn tay nghề cao của anh” đối với người thợ đã
giúp sửa chiếc bếp cho bạn; “Cảm ơn anh/chị về chuyến đi an toàn này”
đối với người tài xế, v.v. Với những lời thật tâm như thế, chắc chắn bạn sẽ
được đáp lại bằng một nụ cười tươi tắn: “Rất hân hạnh!”.
Hơn thế nữa, sau khi tận hưởng một dịch vụ chăm sóc quá tuyệt vời,
không những chỉ cảm ơn người phục vụ mà bạn hãy cảm ơn cả sếp của họ,
hoặc là gửi thư cảm ơn đến doanh nghiệp, tổ chức họ đang làm việc và nói
rằng bạn cảm thấy ấn tượng bởi sự hiệu quả và chuyên nghiệp của họ – có
lẽ đây là một lời cảm kích đặc biệt bởi vì các doanh nghiệp hoặc tổ chức
thường nhận được lời phàn nàn nhiều hơn là lời khen!
Tặng quà
Tặng quà cũng là một cách bày tỏ lòng biết ơn. Hầu hết mọi người
thường mang theo rượu hay loại thức uống nào đó đến bữa tiệc mà họ được
mời, nhưng những món quà này thường được đặt bừa bộn, lẩn khuất giữa
những món quà khác. Nếu muốn món quà của mình được nhớ đến (và theo
đó bạn cũng được nhớ đến), hãy cố gắng làm cho chúng nổi bật và khác
biệt – ví dụ như, quà là một chậu cây lạ, hoặc là một món đồ trang trí nhỏ.
Những món quà như vậy thường không lớn hay quá đắt tiền, nhưng lại thể
hiện rằng bạn có quan tâm đến người chủ buổi tiệc và biết họ thích gì.
Không nhất thiết phải có lý do đặc biệt nào đó để tặng một món quà nhỏ
hay một tấm thiệp chúc mừng. Việc bạn lưu ý đến một món đồ trong cửa
hàng, hay nhác thấy những chiếc vỏ sò đẹp, những viên đá cuội có hình thù
lạ mắt với ý nghĩ rằng người quen của bạn sẽ thích chúng lắm đây cũng đủ
để thể hiện bạn là người bạn biết quan tâm và sâu sắc.