Tôi đã sử dụng phương pháp của Neville nhiều lần trong cuộc sống của
riêng tôi, để giúp tôi làm việc trong chương trình truyền hình Larry King,
giúp tôi chuẩn bị một bài thuyết trình mà tôi đã nói sau Tony Robbins và
trước Donald Trump, giúp tôi viết các cuốn sách như cuốn bây giờ bạn
đang đọc.
Trước khi tôi giải thích cho bạn cụ thể về phương pháp này, hãy để tôi trích
một phần nhỏ từ Neville, nói về cách lập kịch bản mạnh mẽ cho tương lai
của bạn bằng cảm giác:
“14 năm trước khi có vụ đắm tàu Titanic gây kinh hoàng, có một người
Anh tên là Walter Lord đã viết một cuốn sách có tựa đề A night to
Remember (Một đêm đáng nhớ). Trong đó, ông tưởng tượng ra một con tàu
chở khách huyền thoại trên Đại Tây Dương, có tên là Phù phiếm.
“Nó dài 243 m, có đội thủy thủ chia làm ba kíp và chở được 3.000 hành
khách. Tin là nó không thể đắm được, con tàu chỉ mang theo rất ít thuyền
cứu hộ. Sau đó, vào một đêm, Lord đã đưa những người giàu có và tự mãn
lên con tàu đó, và đánh chìm nó bằng một tảng băng trôi trên Đại Tây
Dương.
“Tàu Titanic được hãng White Star Line chế tạo. Nó cũng dài 243 m, có đội
thủy thủ chia làm ba kíp và có thể chở được 3.000 hành khách. Vì được tin
là không thể bị đắm, nó cũng chỉ mang theo rất ít thuyền cứu hộ.
“Được hoàn thành 14 năm sau khi con tàu Phù phiếm hư cấu ra đời, tàu
Titanic khởi hành từ Southampton trên chuyến đi đầu tiên của mình, trên
tàu đầy những người giàu có của châu Âu. Năm ngày sau, con tàu lộng lẫy
này đâm trúng một tảng băng trôi và chìm xuống biển vào một đêm tháng
Tư lạnh giá.”
Neville tiếp tục chỉ ra rằng, có thể cuốn tiểu thuyết hư cấu kia đã thực sự
gây nên thảm họa này. Cuốn tiểu thuyết đã “lập kịch bản” cho sự kiện này.
Neville tiếp tục nói như sau:
“Tôi không biết động cơ đằng sau cuốn sách của Lord, nhưng tôi biết rằng
con tàu y hệt này được chế tạo 14 năm sau đó, nó chở đúng số lượng hành
khác đó và bị chìm theo cách thức tương tự như con tàu hư cấu.