quanh hóa thành thể khí trong nháy mắt, nhanh chóng khuếch tán trong
cuồng phong bức xạ của quả bom, rồi ngay lập tức lạnh đi hóa thành vô số
hạt siêu nhỏ, đám mây bụi được hình thành. Đường kính đám mây này lên
đến hai triệu ki lô mét, còn lớn hơn cả đường kính Mặt trời.
Vị trí hình thành đám mây bụi này là khu vực dự kiến tàu thăm dò của
người Tam Thể sẽ đi qua. Vị trí này được tính toán dựa trên đường bay
quan sát được của tàu thăm dò Tam Thể trước khi tắt động cơ. Kế hoạch
của tiến sĩ Kuhn và tướng Robinson là hy vọng từ vệt đuôi tàu thăm dò
Tam Thể lưu lại trong đám mây bụi nhân tạo này, xác định chuẩn xác vị trí
và đường bay của nó.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tạo ra đám mây bụi, tàu Thái Bình Dương
đã trở về Sao Hải Vương, để lại ba phi thuyền cỡ nhỏ. Khi tàu thăm dò Tam
Thể để lại dấu vết, ba phi thuyền nhỏ này sẽ thực hiện theo dõi ở khoảng
cách gần. Lam Ảnh là một trong ba phi thuyền ấy. Loại phi thuyền cỡ nhỏ
tốc độ cao này được gọi là xe đua vũ trụ, chỉ có một khoang nhỏ chứa được
tối đa năm người, phần còn lại toàn bộ là động cơ nhiệt hạch, có tính cơ
động và khả năng gia tốc cực cao. Sau khi mây bụi hình thành, Lam Ảnh
từng bay xuyên qua toàn bộ khu vực đám mây che phủ để thử nghiệm xem
có lưu lại vệt đuôi hay không, kết quả là mọi người đều hài lòng. Dĩ nhiên,
chỉ có kính thiên văn khổng lồ cách đó hơn một trăm đơn vị thiên văn mới
quan trắc được vệt đuôi này, người trên phi thuyền Lam Ảnh không thể
thấy bất cứ thứ gì, dù là mây bụi hay vệt đuôi của chính mình, không gian
xung quanh vẫn hoang vu như thế. Có điều, sau khi xuyên qua đám mây,
Mặt trời nằm lại phía bên kia, viên phi công một mực nói rằng mình thấy
Mặt trời tối đi một chút, vả lại phần rìa mép vốn dĩ rất rõ của Mặt trời đã
trở nên mờ nhòa, quan trắc bằng thiết bị cũng chứng minh điểm này. Đây là
ấn tượng thị giác duy nhất mà vật thể nhân tạo khổng lồ này mang đến cho
bọn họ.