từ điểm xảy ra vụ nổ về phía góc đội hình mất khoảng năm mươi giây, khi
nó đến góc đội hình, vận tốc đã đạt 31,7 km/s. Lúc này, nó nằm ở ngoại vi
đội hình chiến hạm, cách con tàu gần nhất ở góc hình chữ nhật là Biên
Cương Vô Hạn một trăm sáu mươi ki lô mét. Nhưng từ đó mảnh vỡ không
bay tiếp lướt qua đội hình, mà ngoặt một góc nhọn ba mươi độ, hoàn toàn
không hề giảm tốc, bay thẳng về phía Biên Cương Vô Hạn. Trong khoảng
hai giây nó cần để vượt qua khoảng cách này, máy tính lại giảm mức báo
động xuống cấp 3. Theo suy luận của máy tính, mảnh vỡ này không phải là
một thực thể có khối lượng, vì nó vừa thực hiện một chuyển động hoàn
toàn bất khả theo lý thuyết động lực học hàng không vũ trụ: chuyển hướng
gấp khúc với góc nhọn mà không hề giảm tốc khi đang chuyển động với
vận tốc gấp đôi vận tốc vũ trụ cấp 3, cũng gần như không khác gì va chạm
vào bức tường thép với vận tốc đó. Nếu đây là một thiết bị bay, bên trong
có một khối kim loại, vậy thì quá tải khi chuyển hướng sẽ ép khối kim loại
đó thành màng mỏng trong nháy mắt. Vì vậy, mảnh vỡ này chỉ có thể là ảo
ảnh.
Cứ như vậy, Giọt Nước lao về phía Biên Cương Vô Hạn với vận tốc gấp
đôi vận tốc vũ trụ cấp 3, lúc này, nó đang bay trên một đường thẳng so với
hàng đầu tiên của hạm đội.
Giọt Nước lao vào một điểm nằm ở một phần ba cuối tàu Biên Cương
Vô Hạn, rồi xuyên qua như thể xuyên qua một cái bóng, hoàn toàn không
có bất cứ lực cản nào. Vì tốc độ nó đi qua cực nhanh, ở vị trí nó đi vào và
đi ra trên thân tàu chỉ xuất hiện hai cái lỗ tròn trịa ngay ngắn, đường kính
bằng với chỗ phình ra to nhất của Giọt Nước. Thế nhưng, lỗ tròn vừa xuất
hiện liền biến dạng rồi mất tăm, vì vỏ tàu xung quanh đều đã tan chảy dưới
tác động của nhiệt lượng sinh ra do va chạm ở tốc độ cao và nhiệt độ cực
cao của vòng ánh sáng phát ra từ động cơ đẩy của Giọt Nước. Đoạn thân
tàu bị va chạm nhanh chóng đỏ rực lên, màu đỏ lan từ điểm va chạm ra
ngoài, nhanh chóng bao trùm một nửa tàu Biên Cương Vô Hạn, con tàu
khổng lồ trông như thể một khối sắt vừa được rút ra khỏi lò luyện.