Cao Nguyên
Tập truyện Cho người và cho tôi của Cao Nguyên
Một cõi đã về
(tâm tình với Hiếu Anh).
Hiếu Anh ơi! Cứ xem như hôm nay, ngày cuối tuần, mình trò chuyện với
nhau nhé.
Lại nói về một chút gì để nhớ, từ một nơi mình đã Đến, Ở và Đi - Phố Núi
Pleiku.
Khi anh đặt chân đến đó, không hiểu có cùng bối cảnh và tâm trạng như thế
này không:
"....Ra khỏi lòng phi cơ C.130, bước xuống Phi Trường Cù Hanh, tôi cảm
thấy lạnh, dẫu lúc đó mới chỉ 6 giờ chiều. Da thịt của Sài Gòn nhiệt đới
đang tiếp xúc với cái lạnh miền cao vào những ngày đầu mùa Đông, tuy hơi
khó chịu nhưng khoan khoái. Chính cái lạnh và một chút hơi sương đã làm
cái đầu tôi “ hạ hỏa “, khi phải tiếp nhận cùng lúc những tiếng ồn ào của
động cơ các loại máy bay và xe quân sự, cùng với sự nhộn nhịp của ba lô,
mũ sắt và súng đan ra vào phi cơ và các pháo đài bao cát. Có nghĩa là tôi
đang đứng chân trên vùng đất chạm nhẹ là nghe tiếng nổ! Nghĩa là tôi thật
sự mất đi sự yên tĩnh của những giảng đường, của những thôn xóm quê tôi
vào thuở chưa mất đi sự yên tịnh..."
(trích hồi ký của Cao Nguyên)
Ba mươi mốt năm rồi đó anh, mình đã xa thành phố ấy, dẫu cho sương mù
của thực cảnh, hay sương mù trong cả lòng ta, nhưng những gì ở đó vẫn
hiển hiện trong cõi nhớ của mình.
Thương lắm, nhớ lắm cái khung cảnh chập chùng sông núi ấy, bao nẻo
đường còn in dấu chân ta và bè bạn của một thời xa vắng dễ thương. Dẫu ở
đó, có những tháng ngày tim ta rỉ máu, những giọt lệ hồng chảy trong đêm
trăn trở khi hay tin bạn ta, ngày mai không về. Họ ở lại vĩnh viễn trên Đồi
31, trên đỉnh cao Dak Pek, Chư Prong, Chư Pao, núi Phượng Hoàng...
Thời đau xót đã qua, lẽ ra không nên nhắc lại. Sao tâm ta cứ mãi nhớ về?
Có phải là sự không đành của nỗi tức tưởi trên hành trình đi tìm hòa bình,