a) Tìm mạch nước
Chùa nằm trên gò cao, chung quanh có nhiều đá sỏi, cây cối che phủ,
bên ngoài là ruộng, không có nước. Một hôm, vị trụ trì khẩn nguyện Phật
Trời nếu cho ngài ở đây lâu dài, xin tìm được mạch nước để chùa sử dụng.
Khấn xong, vị trụ trì cầm cây nọc đi vòng theo hông chùa ra phía sau, cắm
cọc trên một khoảnh đất gần đấy. Rồi các đạo trong chùa noi theo chỗ đánh
dấu mà ra công đào xuống sâu chừng ba mét. Quả đúng là chỗ có mạch
nước. Ai nấy rất mừng, Trời Phật gia hộ cho chùa có nước mà xài. Lòng
thành của họ đã được đáp lại bằng một mạch nước trong lành.
b) Người Pháp đào nền chùa kiếm vàng bạc
Trong thời Pháp thuộc, quyền hành trong tay, họ muốn làm điều gì họ
không ngần ngại san bằng tất cả, không đếm xỉa gì đến khi nhân dân oán
trách, họ luôn hành động theo ý muốn.
Khoảng năm 1936-1937, người Pháp được một nhóm tay sai thông
đồng hướng dẫn đến ngôi Cổ Lâm tự. Chúng ra lệnh cho nhân công đào xới
phía trong nền chùa để kiếm đồ xưa, vàng bạc của người Miên chôn giấu.
Mặc dù vị trụ trì hết sức ngăn cản xin họ đừng làm huyên náo chốn thiền
môn, nhưng chúng chẳng để ý gì đến lời cầu xin của nhà sư, cứ hành động
theo ý mình.
Đào sâu xuống lòng đất, trông thấy một số gạch cũ kỹ và những tảng
đá màu đen sắp lớp, chúng cạy lên lấy được mấy vị Phật cổ và một ít vàng
nén của người Miên. Chúng định đào ngay dưới nền chính điện, nhưng vị
bổn đạo và vị trụ trì phen này quyết định phản đối, chúng mới ngưng tay.
Khi người Pháp trở lại xứ này lần thứ hai, chúng đến Tây Ninh lục
soát các chùa chiền. Nơi nào chúng khả nghi đều phóng hỏa đốt, không kể
gì cửa thiền và tín ngưỡng. Khi phóng hỏa đốt ngôi chùa cháy gần hết, một
viên sĩ quan Pháp bỏ quên cây súng trở lại lấy, bị ngọn lửa trong chùa phủ
quanh, chết cháy luôn. Hẳn là gieo gió gặt bão.