chính xác luôn là việc nuôi dưỡng con cái bạn với lòng tự trọng và sự tự tin
cao, đó là mục đích đích thực và vai trò thật sự của bạn. Đó không phải là
quyền. Không phải là bắt con cái mình làm theo những sự trông đợi của bạn,
mà là nuôi dưỡng nó trở nên hạnh phúc, khỏe mạnh và tự tin.
Hãy lắng nghe trực giác của bạn. Sau khi bạn đã đọc tất cả các cuốn sách và
áp dụng mọi lời khuyên, trực giác của một vị phụ huynh đầy thương yêu hầu
như luôn tốt hơn bất kỳ cuốn sách hay lời khuyên nào. Bạn sẽ luôn biết
được, từ sâu thẳm bên trong, điều gì là đúng với con cái mình. Và chừng nào
mà mọi quyết định và hành vi của bạn được tình yêu dẫn dắt thì bạn sẽ luôn
làm điều đúng đắn.
NHỮNG ĐIỀU KIỆN NÀO TẠO RA NHỮNG NGƯỜI THÀNH ĐẠT
CAO?
Ts. David McClelland của trường Harvard, tác giả của cuốn The Achieving
Society (Xã hội thành đạt), đã mất nhiều năm nghiên cứu về nghệ thuật nuôi
dạy con cái và cách cha mẹ tác động đến động cơ thành đạt ở con cái. Ông
phát hiện ra rằng có hai đặc điểm chính ở các gia đình có những người thành
đạt cao − những người đạt được những việc quan trọng từ thuở thiếu thời và
những năm đầu lứa tuổi 20.
MỘT MÔI TRƯỜNG DÂN CHỦ
Đặc điểm đầu tiên ở gia đình có những người thành đạt cao đó là dân chủ.
Các ý kiến của con cái được lắng nghe và tôn trọng. Từ nhỏ trẻ được khuyến
khích tham gia vào các quyết định của gia đình. Chúng được hỏi xem chúng
nghĩ gì và chúng cảm thấy thế nào. Ý kiến của chúng được xem xét một cách
cẩn thận. Các ý kiến của trẻ không nhất thiết là phải được thực hiện trong
mọi trường hợp. Nhưng những suy nghĩ và ý kiến của trẻ nên được tôn trọng.
Cả gia đình cần dành thời gian để thảo luận và cùng thống nhất các vấn đề
với nhau.
Có một vài điều cha mẹ làm có thể khiến trẻ cảm thấy tốt hơn, đó là đối xử
với chúng như với một người thông minh. Khi bạn đối xử với trẻ như thể
chúng quan trọng và thông minh, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy chúng thật sự
nhanh trí và sáng suốt đến mức nào.
Thường tại bàn ăn tối, khi tôi đang phải vật lộn với một vấn đề về công việc,
tôi sẽ giải thích điều này bằng những lời lẽ rất đơn giản cho Christina, lúc đó
12 tuổi, và hỏi ý kiến cô bé. Cô bé thường nêu ra các ý kiến sáng suốt khác
thường. Người xưa thường nói câu “Từ miệng con trẻ” hóa ra lại đúng. Trẻ