trên một phiến đá vuông cạnh bờ hồ và không biết vì lý do gì đã làm nàng
buồn giận mà Đa Nhĩ Cổn phải chắp tay lạy nàng, trong khi nàng quay mặt
đi chỗ khác chẳng thèm để ý đến. Văn hậu thấy thế tức cười, nói một mình:
- Con nhỏ này kỳ thật! Tính khí vẫn trẻ con quá!
Bà tìm một phiến đá vuông bên cạnh hồ ngồi xuống rồi bảo cung nữ gọi hai
người lại. Đa Nhĩ Cổn chạy tới trước mặt bà, được bà kéo vào lòng. Cổn
vội quỳ xuống đất ngửa mặt nhìn lên. Văn hậu đặt hai bàn tay lên vai Cổn,
nhìn thẳng vào mặt chàng.
Mãi lúc đó bà mới khám phá ra Cổn quả lả một trang thiếu niên xinh đẹp,
mày chàng xanh, mắt chàng sáng, môi chàng đỏ, răng chàng trắng, cái gì
trong con người của chàng cũng đều đẹp, đều đáng yêu đáng quý. Thế rồi
bà nhịn chẳng nổi nữa, cúi đầu xuống đặt một cái hôn say sưa lên môi
chàng và nói:
- Này thúc thúc! Thúc thúc yêu nó phải không? Ta gả nó cho thúc thúc nhé?
Đa Nhĩ Cổn vốn tính xảo quyệt khôn ngoan, nghe lời bà xong liền dập đầu
tạ ơn. Lúc đó, Tiểu Ngọc Nhi cũng đứng bên cạnh bà. Nàng yêu Cổn nên
khi thấy chị mình hôn vào miệng người yêu của mình thì lòng nàng bỗng
nhiên nổi ngược máu ghen. Sau đó nàng lại thấy chị nàng hứa gả nàng cho
Đa Nhĩ Cổn thì má nàng bỗng ửng đỏ, rồi vì mắc cỡ nàng quay người chạy
trốn một mạch.
Buổi tối hôm đó, Văn hậu đem ý định của mình nói cho Thái Tông hoàng
đế nghe. Ông xiết bao mừng rỡ lập tức truyền lệnh cho Nội vụ đại thần xây
cất ngay một toà lâu đài cho Thập tứ thân vương ngay sau Diễn Khánh
cung để chuẩn bị cuộc vui mừng.
Qua năm sau, Đa Nhĩ Cổn và Tiểu Ngọc Nhi đều mười sáu tuổi. Hai người
làm đại lễ. Thật là một cuộc vui muôn phần náo nhiệt. Vợ chồng Cổn -
Ngọc từ ngày cưới quả đã được hưởng hạnh phúc hơn người. Tình ân ái
càng sâu như bể cả.
Cũng từ đó tình cảnh của Văn hậu càng ngày càng sa sút dần. Bà không còn
có cô em gái và cậu thiếu niên Đa Nhĩ Cổn bên cạnh nữa. Thái Tông hoàng
đế lúc này cũng thường tới các cung khác, hẳn ngài đã cảm thấy "ngon ăn
mãi cũng chán".