trận). Dinh Trung hiệu Nội tả, hiệu Nội hữu 8 đội cộng 400 người, nguyên
thuộc đại tướng. Dinh Trung hai hiệu tả hữu cũng 8 đội, cộng 400 người để hộ
vệ đại tướng.
Lúc biến trận thì lấy bốn trận Thiên, Địa, Phong, Vân, đóng vào bốn góc làm
binh chính, lấy bốn trận Long, Hổ, Điểu, Xà bày ra bốn phương làm binh kỳ.
Còn như du binh thì để phòng bổ khuyết các trận. Như lúc hành binh, nếu gặp
chỗ đất hẹp gò ghề thì cho du binh đi trước để dẫn đường. Khi đóng quân thì
du binh ở sau, hoặc để chặn đường vận lương của giặc, hoặc để phá viện binh
của giặc, hoặc để đánh úp phá quân, hoặc để cắt đứt phá thế, tùy cơ ứng biến,
hình như gió cuốn mây bay, không thể lường được. Nếu bàn chín trận cùng du
binh thì lấy chín trận làm chính du binh làm kỳ. Nếu bàn tám trận cùng trung
quân thì tám trận làm chính trung quân làm kỳ, mà binh chính nhiều binh kỳ ít.
Giả như hành binh ở chỗ đường hẹp thì trước kết trận Chu thiên nhất biến. Lấy
trận Điểu làm đệ nhất, trận Địa làm đệ nhị, trận Địa là chính mà trận Điểu là
kỳ, còn đệ tam là trận Hổ, đệ tứ là trận Thiên thì trận Thiên là chính mà trận
Hổ là kỳ Đến như đệ ngũ thì bốn hiệu trung quân là chỗ cầm then máy để hiệu
lệnh các quân. Còn đệ lục là trận Phong, đệ thất là trận Long, thì trận Phong
là chính, trận Long là kỳ; đệ bát là trận Vân, đệ cửu là trận Xà, thì trận Vân là
chính, trận Xà là kỳ. Thế là một kỳ đương một chính trong Binh pháp. Nếu trận
Điểu gặp giặc thì trận Điểu làm chính, trận Địa làm kỳ; nếu trận Địa gặp giặc
thì trận Địa làm chính, trận Điểu làm kỳ. Cho nên Binh pháp nói “Chính lại
làm Kỳ, Kỳ lại làm Chính; đánh đuôi đầu cứu, đánh đầu đuôi cứu; vòng quanh
không có đầu mối”, là nghĩa thế đấy. Còn phép chính kỳ đánh đâm của các
trận thì cũng theo đấy mà suy ra.
Chu Thiên đệ nhị biến thì chia quân làm hai dây mà tiến. Chi tả, đệ nhất là
trận Phong, đệ nhị là trận Long, đệ tam là hiệu tả dinh Trung cùng hiệu Nội tả,
đệ tứ là trận Vân, đệ ngũ là trận Xà. Chi hữu, đệ nhất là trận Điểu, đệ nhị là
trận Địa, đệ tam là hiệu Hữu dinh Trung cùng hiệu Nội hữu, đệ tứ là trận Hổ,
đệ ngũ là trận Thiên. Nếu giặc đánh vào trận nào, thì các trận chính kỳ tả hữu
cùng xúm lại mà cứu, cho nên Binh pháp nói rằng “Một chính một kỳ, cùng
giúp đỡ nhau” là thế đấy. Ví như giặc đánh vào trận Phong ở chi tả thì trận
Long cứu, hiệu Tả dinh Trung cũng theo sau giáp đánh, mà hai trận Vân Xà
cũng cứu ứng nhau. Nếu giặc đánh trận Xà thì trận Vân cứu, hai trận Phong