Trên hết, một học giả uyên bác không bao giờ cảm thấy hài lòng về kiến
thức của mình, và chính sự không hài lòng ấy là tấm chắn tuyệt vời để bảo
vệ họ khỏi quan điểm Plato (Platonidty), tức những biện pháp đơn giản hóa
của một vị giám đốc năm phút, hay tính tầm thường của một học giả quá
chú tâm vào các tiểu tiết. Quả thật, học rộng mà không uyên thâm có thể
dẫn đến nhiều thảm kịch.
Tôi không muốn trở thành con gà tây
Tuy nhiên, việc phát triển chủ nghĩa hoài nghi triết học không phải là sứ
mệnh của cuốn sách này. Nếu nhận thức về bài toán Thiên Nga Đen có thể
đưa chúng ta đến một cuộc tháo chạy và đến với chủ nghĩa hoài nghi Cực
độ thì ngay lúc này, tôi sẽ chọn hướng hoàn toàn ngược lại. Tôi thích những
chiến công và chủ nghĩa thực nghiệm chân chính. Vì thế, cuốn sách này
không phải được viết nên bởi một người thần bí theo đạo Sufi, hay bởi
người theo chủ nghĩa hoài nghi mang nhận thức của thời cổ đại hay Trung
cổ, mà bởi một người luôn tìm cách để không trở thành một kẻ khờ trước
những sự kiện có ý nghĩa. Chấm hết.
Về cơ bản, Hume tỏ ra hoài nghi về các công cụ khoa học, nhưng đã từ
bỏ ngay ý nghĩ đó khi nói đến cuộc sống thường ngày bởi không thể tìm ra
câu trả lời cho chúng. Những gì tôi đang làm ở đây hoàn toàn ngược lại: tôi
hoài nghi những vấn đề có liên quan đến cuộc sống hàng ngày. Hay nói
cách khác, tất cả những gì tôi quan tâm chính là làm cách nào để ra quyết
định mà không trở thành một con gà tây.
Trong suốt hơn hai mươi năm qua, nhiều tay hiểu biết lưng lửng liên tục
hỏi tôi “Này Taleb, làm cách nào băng qua đường nếu như ông luôn nhận
biết về một rủi ro cực độ?” hay thậm chí còn có nhiều câu ngốc nghếch hơn
như “ông đang yêu cầu chúng tôi không chấp nhận bất cứ rủi ro nào”. Dĩ
nhiên, tôi không cổ súy cho nỗi ám ảnh về rủi ro (bạn sẽ thấy tôi thích kiểu
chấp nhận rủi ro mạo hiểm): tất cả những gì tôi sắp trình bày với bạn trong
cuốn sách này là làm cách nào để băng qua đường khi bị bịt mắt.