Thiên Nga Đen - những người tìm thấy niềm an ủi trong tôn giáo, mà hiện
thân tiêu biểu nhất là Pierre Bayle, một nhà thần học, một triết gia, một nhà
thông thái theo đạo Tin Lành nói tiếng Pháp, người bị lưu đày ở Hà Lan, và
là người đã xây dựng được một kiến trúc triết học rộng lớn liên quan đến
những người theo chủ nghĩa hoài nghi Pyrrho. Các tác phẩm của Bayle có
ảnh hưởng lớn đến mức Hume phải sử dụng hàng loạt tư tưởng của ông -
điều góp phần đưa Hume đến với chủ nghĩa hoài nghi cổ đại. Tác phẩm Từ
điển lịch sử và phê phán (Dictionaire historique et critique) của Bayle trở
thành một tuyệt tác của tri thức được đọc nhiều nhất trong thế kỷ 18, tuy
nhiên, tương tự nhiều vị anh hùng người Pháp mà tôi ngưỡng mộ (như
Frédéric Bastiat chẳng hạn), có vẻ Bayle không có tên trong chương trình
giảng dạy của Pháp và gần như không thể tìm thấy tài liệu nào về ông được
viết bằng thứ tiếng Pháp chính gốc Nicolas of Autrecourt, người theo
trường phái Algazel, sống vào thế kỷ 14, cũng gặp phải hoàn cảnh tương
tự.
Quả thật, có một sự thật mà không phải ai cũng biết là mãi gần đây, phần
mô tả hoàn chỉnh nhất về những ý tưởng của chủ nghĩa hoài nghi vẫn còn là
công việc của một vị giám mục Cơ Đốc giáo quyền uy, thành viên đức cao
vọng trọng của Viện Hàn lâm Pháp. Năm 1690, Pierre-Daniel Huet đã viết
tác phẩm Philosophical Treatise on the Weaknesses of the Human Mind
(Chuyên luận triết học về những điểm yếu của bộ não con người) - một
cuốn sách xuất chúng xé tan mọi giáo điều và chất vấn năng lực tri giác của
con người. Huet trình bày những lý lẽ chống lại thuyết nhân quả vốn dĩ có
sức thuyết phục khá mạnh mẽ, chẳng hạn như ông nói rằng bất kỳ sự kiện
nào cũng có thể được sinh ra từ hằng hà sa số nguyên nhân.
Cả Huet lẫn Bayle đều là những người có học thức uyên bác và dành cả
đời để đọc. Huet sống thọ đến hơn chín mươi tuổi, lúc nào cũng có một
người hầu cầm sách theo sau để đọc cho ông nghe mỗi khi đang dùng bữa
hay thư giãn nhằm tránh lãng phí thời gian. Người ta cho rằng ông là người
đọc nhiều nhất thời đó. Cho phép tôi nhấn mạnh rằng, với tôi, học vấn uyên
bác rất quan trọng. Nó là dấu hiệu của tính ham học hỏi chân thành, đi kèm
với một trí óc phóng khoáng và khát khao tìm hiểu ý tưởng của người khác.