Thiền sư TRÍ BẢO
(? - 1190)
(Đời thứ 10, dòng Vô Ngôn Thông)
Sư họ Nguyễn, quê ở Ô Diên, Vĩnh Khương, là cậu ruột Tô Hiến Thành, một đại
công thần đời Lý Anh Tông.
Sư xuất gia vào tu ở chùa Thanh Tước trên núi Du Hý làng Cát Lợi, đất Thường
Lạc. Thường ngày mặc áo vá ăn cơm hẩm, cả mười năm không đổi chiếc áo, đến ba ngày
chẳng thổi lửa nấu cơm, tay chân chai cóp, thân thể khô khan. Thấy có người đến thì
khoanh tay đứng nép một bên, gặp bậc Sa-môn thì quì gối lễ bái. Sư chuyên tu như vậy
đến sáu năm mới xuống núi.
Xuống núi, Sư chuyên tạo phước nào sửa đường, bắc cầu, cất chùa, xây tháp, tùy
duyên khuyến khích người, không vì lợi dưỡng.
Chợt gặp một vị Tăng hỏi:
- Sanh từ đâu lại, tử đi về đâu?
Sư liền suy nghĩ. Vị Tăng ấy bảo:
- Trong lúc ông suy nghĩ, mây trắng bay ngàn dặm.
Sư không đáp được. Vị Tăng ấy quát:
- Chùa tốt mà không có Phật.
Nói rồi bèn bỏ đi. Sư tự than rằng:
- Ta tuy có tâm xuất gia, nhưng chưa được yếu chỉ của người xuất gia, ví như kẻ
đào giếng, dù đào đến chín, mười thước mà chưa có nước, vẫn phải bỏ đi. Huống là, tu
thân mà chẳng ngộ đạo thì có ích gì?
Từ đây, Sư dạo khắp bốn phương tham tìm bậc thiện tri thức. Nghe Thiền sư Đạo
Huệ giáo hóa ở Tiên Du, Sư liền đến đó.
Sư hỏi Đạo Huệ:
- Sanh từ đâu lại, tử đi về đâu?
Đạo Huệ bảo:
- Sanh không từ đâu lại, tử chẳng đi về đâu.
Sư thưa:
- Thế ấy, đâu chẳng rơi vào chỗ không sao?
Đạo Huệ bảo:
- Chân tánh diệu viên, thể tự không tịch, vận dụng tự tại, chẳng đồng với sanh tử.
Thế nên, sanh không từ đâu đến, tử chẳng đi về đâu.
Ngay câu nói này, Sư liền lãnh ngộ, nói: