- Xét theo truyện Pháp sư Đàm Thuyên có nói, vua Tùy Cao Tổ bảo các Pháp sư
rằng: “Trẫm nghĩ ơn từ bi dạy dỗ của đấng Điều Ngự, ân đức đó không biết lấy gì báo
đền. Trẫm thẹn ở ngôi nhân vương, muốn hộ trì Tam Bảo rộng khắp, cho góp hết xá-lợi ở
trong toàn quốc, xây dựng bốn mươi chín ngôi bảo tháp tôn thờ, để tiêu biểu cho đời và
sửa sang xây cất một trăm năm mươi ngôi chùa. Những cõi ngoài như xứ Giao Châu,
cũng muốn xây dựng các ngôi chùa tháp để cho đạo đức thấm nhuần khắp cõi đại thiên.
Nhưng xứ Giao Châu tuy nội thuộc nước ta (Trung Quốc) vẫn là sự liên hệ ràng buộc.
Pháp sư nên chọn những vị Sa-môn danh đức sang xứ ấy giáo hóa họ, khiến tất cả đều
được đạo Bồ-đề.” Pháp sư tâu: “Cõi Giao Châu có đường thông Thiên Trúc gần hơn nước
ta (Tàu), lúc Phật pháp mới du nhập Giang Đông chưa truyền khắp, mà xứ này đã xây
dựng trên hai mươi ngôi bảo tháp, độ hơn năm trăm vị Tăng, phiên dịch được mười lăm
quyển kinh, do đó ở bên ấy có Phật pháp trước ta vậy. Thuở ấy đã có các Tỳ-kheo Ma-ha
Kỳ-vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương và Mâu Bác đến đó truyền đạo. Hiện nay
lại có Pháp Hiền thượng sĩ đắc pháp nơi ngài Tỳ-ni-đa-lưu-chi, kế thừa truyền bá tông
phái của Tam Tổ, là hàng Bồ-tát trong loài người, hiện trụ trì tại chùa Chúng Thiện, thu
nhận môn đồ giáo hóa trong hội không dưới ba trăm người, cùng Trung Quốc không
khác. Bệ hạ là cha lành khắp trời, muốn bình đẳng bố thí nên muốn phái chư Tăng đến đó
giáo hóa, song họ đã có đủ người rồi, ta chẳng cần phải sang.”
Lại, Tướng quốc nhà Đường hiệu Quyền Đức Dư, làm bài tựa truyền pháp rằng:
“Sau khi Tổ Tào Khê mất, pháp thiền được thạnh hành, mỗi nơi đều có dòng dõi: Thiền
sư Chương Kỉnh Uẩn mang tâm yếu Mã Tổ giáo hóa thạnh hành ở xứ Ngô Việt. Đại sĩ
Vô Ngôn Thông truyền tông chỉ của Tổ Bá Trượng khai ngộ ở đất Giao Châu.”
Lấy đây để nghiệm xét biết vậy.
Thái hậu lại hỏi:
- Sự truyền thừa của hai tông thứ tự thế nào?
Sư đáp:
- Người kế thừa phái Lưu-chi hiện nay chính là Thiền sư Huệ Sinh, Thiền sư
Chân Không vậy. Người kế thừa phái Vô Ngôn Thông hiện là Thiền sư Viên Chiếu,
Thiền sư Quảng Trí. Bên phái Khương Tăng Hội hiện nay có Lôi Hà Trạch ấy vậy. Ngoài
ra những vị kế thừa phụ nhiều không thể kể hết.
Thái hậu rất hoan hỉ lễ bái phong Sư chức Tăng lục, ban tử y ca-sa và hiệu là
Thông Biện đại sư cùng trọng thưởng rất hậu. Bởi kính trọng Sư, Thái hậu thường triệu
thỉnh vào nội và lễ bái phong làm Quốc sư. Do sự giáo hóa của Sư, Thái hậu nhận được
yếu chỉ. Chính bà làm kệ ngộ đạo rằng:
Sắc là không, không tức sắc,
Không là sắc, sắc tức không.
Sắc không đều chẳng quản,
Mới được hợp chân tông.
(Sắc thị không, không tức sắc,
Không thị sắc, sắc tức không.
Sắc không câu bất quản,
Phương đắc khế chân tông.)