Thiền sư KHÁNH HỶ
(1066 - 1142)
(Đời thứ 14, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi)
Sư họ Nguyễn, quê ở Cổ Giao, Long Biên, vốn hạt giống tịnh hạnh. Thuở nhỏ, Sư
đã không ăn thịt cá. Lớn lên theo thọ học với Thiền sư Bổn Tịch ở chùa Chúc Thánh.
Một hôm, trên đường đến nhà đàn việt thọ trai, Sư hỏi:
- Thế nào là ý chánh của Tổ sư?
Ngay lúc đó nghe tiếng trống lên đồng trong nhà dân, Bổn Tịch nói:
- Lời nói ấy đâu không phải đồng cốt giáng thần?
- Hòa thượng chớ chuyên nói đùa.
- Ta không từng có mảy may nói đùa.
Sư không hội, bèn từ thầy mà đi.
Đến chùa Vạn Tuế, Sư ra mắt Thiền sư Biện Tài. Biện Tài hỏi:
- Ngươi từ đâu đến?
Sư thưa:
- Con từ Bổn Tịch đến.
- Thầy ấy cũng là thiện tri thức một phương, đã từng nói với ngươi câu gì?
- Con đã thờ thầy nhiều năm, chỉ một câu hỏi mà chẳng khứng cho, nên con bỏ đi.
- Ngươi đã từng hỏi câu gì?
Sư liền thuật lại câu hỏi trước. Biện Tài bảo:
- Ôi! Tịch sư vì ngươi đã nói tột rồi, chớ hủy báng Bổn sư không tốt.
Sư dừng lại suy nghĩ, Biện Tài bảo:
- Đâu không nghe nói khi đạt khắp cảnh đầy đủ, chẳng ngộ hằng trái xa.
Sư bỗng nhiên đốn ngộ, liền trở về yết kiến Bổn Tịch.
Bổn Tịch thấy Sư trở về bèn hỏi:
- Ngươi đến đâu mà về mau thế?
Sư sụp xuống lạy thưa:
- Con mang tội hủy báng Hòa thượng nên trở về xin sám hối.
- Tướng tội, tánh nó không, ngươi làm sao sám hối?
- Phải như thế mà sám hối.
Bổn Tịch liền thôi.