“Hôm nay là Lập Hạ, theo truyền thống là phải ăn canh gà hầm
sâm, hôm nay mọi người đã ăn chưa ạ?”
Sau khi Giáo sư Masu đưa ra một chủ đề vui vẻ như vậy, mọi người
liền rộn ràng bàn luận về món canh gà hầm sâm.
“Tất nhiên là phải ăn rồi, đối với người lớn tuổi, thì sức khỏe
chính là tiền bạc, khi còn trẻ phải ăn uống tốt thì đến già mới
không phải chịu bệnh tật, hôm nay tôi đã ăn hai bát to liền, ha ha.”
Một vị hơn 50 tuổi vừa vỗ bụng vừa trả lời, hành động hài hước của
ông đã khiến cả hội trường cười nghiêng ngả.
“Vậy sao? Xem ra bất kỳ việc gì cũng đều phải chuẩn bị trước khi
còn trẻ, nếu không lúc về già sẽ rất khổ. Chủ đề ngày hôm nay của
chúng ta là làm thế nào để có một cuộc sống an bình sau khi nghỉ
hưu? Cách đây không lâu, một tờ báo đã tiến hành điều tra đối với
các đối tượng là những người đang đi làm trong độ tuổi từ hơn 30
tuổi đến hơn 50 tuổi, với câu hỏi là ông/bà có cảm thấy bất an đối
với cuộc sống sau khi về hưu hay không và ông/ bà đã có sự chuẩn
bị như thế nào cho cuộc sống sau này của mình. Các bạn có biết
kết quả điều tra như thế nào không ạ?”
“Chuẩn bị cho cuộc sống về hưu” - cụm từ này đối với Choe
Socheon khá lạ lẫm, theo anh hiểu, anh bây giờ mới 35 tuổi còn những
20 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, vẫn chưa đến lúc nói về chuyện
này. Đây là việc mà những người ở độ tuổi 45-55 phải suy nghĩ. Nhưng
từ sau những gì mà No Buseong gặp phải, anh cảm thấy mình phải
suy nghĩ sớm hơn về vấn đề này. Bài nói chuyện của Giáo sư Masu
vừa mới bắt đầu nhưng anh cảm thấy mình đã không lãng phí thời
gian khi đến đây.
Số tiền cả đời kiếm được lên đến 1.500.000.000 Won