Chương 1: Thị trường.
Các thị trường tuy khác nhau nhưng có những điểm tương đồng rất hữu ích
Khi còn trẻ, ước mơ đầu tiên của tôi là trở thành một kẻ nổi loạn như Ned
Kelly. Anh chàng sống ngoài vòng pháp luật hồi thế kỷ XIX này chính là
Robin Hood của Australia, ngoại trừ việc anh ta chiến đấu chống lại cảnh sát
- những người đội mũ và mặc áo chống đạn bằng sắt. Cuối cùng, anh ta bị
bắt và bị treo cổ, lời cuối cùng anh ta nói: “Đời là thế đấy”.
Lớn dần lên, tôi cũng có tham vọng hơn một chút. Mười mấy tuổi đầu, tôi
nghĩ mình sẽ trở thành một mục sư, hay thử vận may của mình trở thành một
tuyển thủ cờ vua chuyên nghiệp. Tuy nhiên, những mơ ước này rồi cũng
phai nhạt dần và cuối những năm 1970, sau khi tốt nghiệp phổ thông trung
học ở Sydney, tôi đặt ra kế hoạch tiếp theo là trở thành một nhà kinh tế.
Những kiến thức vụn vặt về kinh tế học mà tôi học được càng khuyến khích
tôi theo đuổi mơ ước này. Kinh tế học thường bị phê bình là môn “khoa học
nhạt nhẽo”, thậm chí còn có câu nói đùa rằng dù bạn có thể tập hợp kiến
thức từ tất cả các nhà kinh tế trên thế giới nhưng chưa chắc đã rút ra được
kết luận cho vấn đề. Nhưng tôi đã may mắn có được những người thầy giỏi,
một trong số họ là Peter Rolfe, người đã chỉ cho tôi thấy rằng kinh tế học
chủ yếu dựa vào các giả định hợp lý về hành vi của con người. Từ đó có thể
dự đoán được một cách hợp lý về hành vi của hàng triệu người khi các chỉ
số về giá cả, tiền lương, tỷ lệ lãi suất, thuế và các nhân tố tài chính khác có
sự thay đổi. Peter là một người hài hước và đam mê thể thao, ông rất giỏi
truyền đạt tri thức cho người khác.
Vài năm sau, tôi tốt nghiệp đại học và tìm được một công việc ở phòng
nghiên cứu của Ngân hàng Dự trữ Australia - là ngân hàng rất quan trọng
của Australia. Tuy nhiên, sau đó tôi đã nhanh chóng đổi nghề và gia nhập
vào lĩnh vực ngân hàng đầu tư - một lĩnh vực mang tính cạnh tranh rất cao.
Có người nói với tôi rằng kiếm được tiền là tốt, nhưng tự mình cũng cần
phải biết cách kiểm soát sự căng thẳng. Tôi nhớ mình đã từng nghĩ: “Hừm,
mình cứ cố gắng làm ra nhiều tiền đã, còn vấn đề căng thẳng sẽ tính sau.”