III. Dưới đây là hai đoạn văn mô tả trích từ tác phẩm “Phở” của
Nguyễn Tuân. Chọn một món ăn khác mà bạn yêu thích - mì Quảng,
bún mắm, cơm gà,... rồi viết một đoạn mô tả phỏng theo cấu trúc của
các đoạn trích, từ cấu trúc câu, cấu trúc cân phân cho đến hình ảnh so
sánh và biện pháp tu từ, với ý tưởng, thông tin do bạn thu thập.
Phở còn là một món ăn rất nhiều quần chúng tính. Ông muốn ăn phở ngồi
hay đứng lù lù ra giữa hiệu mà ăn cũng không ai nói, ăn ngồi ăn đứng tùy
thích. Phở là món ăn bình dân. Công nông binh trí, các tầng lớp nhân dân
lao động, thành thị, nông thôn, không mấy ai là không biết ăn phở. Người
công dân Việt Nam khi còn ẵm ngửa, cũng nhiều vị đã nếm phở rồi; chỉ có
khác người lớn là cái bát phở của tuổi ấu trĩ chưa biết đau khổ ấy chưa cần
phức tạp, không cần hành hăng, chanh chua, ớt cay.
Con nhà nghèo, nhiều khi lại không cần cả thịt nữa, mà căn bản phở nhi
đồng vẫn là bánh và nước dùng thôi.
Phở ăn bất cứ vào giờ nào cũng đều thấy trôi cả. Sớm, trưa, chiều, tối,
khuya, lúc nào cũng ăn được. Trong một ngày ăn thêm một bát phở, cũng
như lúc trò chuyện ăn giọng nhau mà pha thêm một ấm trà, cùng thưởng
thức với bạn bè. Hình như không ai nỡ từ chối một người quen rủ đi ăn phở.
Phở giúp cho người thanh bạch đủ điều kiện biểu hiện lòng thành theo với
bầu bạn nó hợp với cái túi nhỏ của mình. Phở còn tài tình ở cái chỗ là mùa
nào ăn cũng thấy có nghĩa thâm thúy. Mùa nắng, ăn một bát, ra mồ hôi, gặp
cơn gió nhẹ chạy qua mặt qua lưng, thấy như giời quạt cho mình. Mùa đông
lạnh, ăn bát phở nóng, đôi môi tái nhợt chợt thắm tươi lại...
IV. Miêu tả một người mà bạn biết rõ, sao cho người quen nhận ra
người này dù không nêu tên. Bên cạnh ngoại hình, cần nói thêm về tính
cách của người đó - năng lực tư duy, tham vọng, cách ứng xử,... Chỉ
dùng ngôi thứ ba và sử dụng cấu trúc cân phân của sáu ví dụ ở đầu
chương, mỗi cấu trúc ít nhất một lần.