chúng đều có chữ Nho ở giữa. Những chữ này ghi lại tên tuổi và ngày mất
của người quá cố.
Những lĩnh vực như âm nhạc và khoa học trong thời Joseon được trưng bày
ở tầng hầm của tòa nhà bảo tàng.
Người ta bày những nhạc cụ thời xưa trong những chiếc tủ kính và ghi chú
tên, công dụng của từng cái. Chủ yếu là những dụng cụ được làm bằng
đồng, thuộc bộ gõ và một số những chiếc đàn có dây.
Khoa học dưới thời Joseon khá phát triển. Tôi nói như vậy là do ở đây thấy
có trưng bày một cái đồng hồ nước mà người ta gọi là “Jagyeokru”. Đây là
chiếc đồng hồ tự động đầu tiên của Hàn Quốc được phát minh dưới thời vua
Sejong. Chiếc này thực chất là một bản sao được phục chế lại giống như bản
gốc. Hiện nó vẫn hoạt động và cứ mỗi 30 phút lại báo một lần.
Gần khu vực chiếc đồng hồ là một khẩu đại bác mini, hay súng thần công
theo cách gọi của thời xưa. Nó được sơn màu đen bóng, nhìn có vẻ thô sơ.
Nhưng với mấy trăm năm về trước thì đây đã là một phát minh hiện đại lắm
rồi.
Ở Việt Nam mình cũng có bảo tàng kiểu như vậy, gọi là bảo tàng Mỹ thuật
Cung đình Huế. Thực ra thì bảo tàng của mình ở Huế còn to hơn và nhiều cổ
vật hơn. Nhưng xét độ nổi tiếng thì có lẽ cũng chỉ ngang với bảo tàng Quốc
gia các cung điện Hàn Quốc này thôi. Đó là vì người Hàn họ biết đầu tư cho
thương hiệu và quảng bá rất nhiều.
Thế nhưng tôi nhận thấy dù cho mang ý nghĩa lớn đối với lịch sử Hàn Quốc,
được coi là “hồn” Joseon nhưng khách vào tham quan bảo tàng cũng khá
thưa thớt. Trong khi đó thì người ta xếp hàng rất đông để mua về vào xem
cung điện Hoàng gia Gyeongbok ở ngay bên kia. Mà vào bảo tàng không
mất vé. Thế mới thấy phần đông trong chúng ta vẫn còn coi trọng cái “xác”
hơn phần “hồn”.