Tri Phủ nghe vậy lại đem Bạch Thắng giam vào nhà pha rồi gọi Hà Quan Sát sai
đem người đến thôn Thạch Kiệt để truy bắt ba anh em họ Nguyễn. Mới hay:
Hùm thiêng vùng vẫy núi xanh,
Những phường đầu sói còn quanh quẩn tìm
Biết đâu bốn bể mò kim,
Chẳng qua gây việc kinh thiên sau này.
Một phen gió chuyển mây bay.
Sơn hà đổi mặt cỏ cây khác mầu.
Máu hồng lai láng vũng sâu,
Cho quân phỗng đá biết nhau sau này.
Lời bàn của Thánh Thán
Hồi này bắt đầu vào chuyện Tống Giang, Tống Giang là đầu trộm cướp vậy, đầu
trộm thì tội nặng hơn cả đám một tầng, thế mà lâu nay người ta đọc Thủy Hử,
thường hường cho là Tống Giang trung nghĩa, như muốn gặp được sớm chiều, há
phải tính con người muốn ưa trộm cướp thì ra đọc văn chương mà không thông ý
nghĩa. Tự ta xem đấy, thấy tội Tống Giang nặng hơn đám trộm cướp, vì y ngầm
phản thì còn là nhỏ mà tha cho Tiều Cái mới là to, bởi đâu? Vì tha Tiều Cái để y
họp đám giặc làm cho họa đến cả triều đình cũng do từ đấy, nếu Tống Giang mà
thật trung nghĩa thì không tha Tiều Cái; mà Tống Giang tha Tiều Cái thì còn đâu
trung nghĩa, đây mới vào bản truyện mà trước kia không có chuyện chép ra, được
tỏ Tống Giang cao quý, bắt đầu tha tội Tiều Cái thì ra Tống Giang đã tội tày trời
tác giả thực chẳng kiêng khem cho chút nào hết cả.
Há chẳng che giấu mà thôi, lại còn tả ra như bới vạch, như rằng quan phủ bàn kín
ở nhà sau, rất là cơ mật, gọi chủ điếm làm chứng cùng đi bắt, lại rất là cơ mật.
Canh ba đến nhà Bạch Thắng, đã rất cơ mật, đến canh năm lại trở về ngay, càng cơ
mật nữa, giữ kín Bạch Thắng, giam riêng người vợ lại rất cơ mật, Hà Đào thân
lãnh công văn, đem hai Ngu hầu đi theo nhận mặt bắt giặt, lại rất cơ mật, đến Vận
Thành giấu tùy tòng trong điếm, vẫn giữ cơ mật, cho đến Hà Đào phải nói kín đáo
thì thấy cơ mật biết bao? Đấy tả ra rất nhiều văn tự, cho rõ cơ mật, càng làm cho
rõ cái tội Tống Giang, theo lập pháp cho nghiêm thì phải đúng như vậy, người đời
đọc Thủy Hử mà không thông nghĩa, vội đem trung nghĩa khen ngợi Tống Giang thì
chả còn biết con ngựa kia mấy chân đi vậy!
Tả hai người Chu Đồng, Lôi Hoành, đều cốt tha cho Tiều Cái, thấy Chu Đồng được
khéo mà Lôi Hoành lại vụng, Chu Đồng được khoái, Lôi Hoành lại chậm, thấy từng
chỗ Lôi Hoành nhường bước Chu Đồng rõ lắm, thế mà có biết đâu trước khi Chu
Đồng chưa vào bóng tối để thả Tiều Cái, đã có trước kia Tống Giang sớm làm được
trọn nhân tình, thế thì Chu Đồng lại nhường bước Tống Giang rõ lắm, trong tay
cao cường, lại có kẻ cao cường hơn, thực là tả nên tuyệt diệu.