“Khi Hoa đại phu nói rằng thời tiết nóng nực thế này thì nên cho nhập quan
người chết ngay lập tức, lão hủ liền cho mời một người nhà đòn tới tắm rửa
cho thi thể rồi để tạm vào áo quan. Khổng chưởng quỹ lại khuyên lão hủ
mang thi thể tới quàn tạm ở chùa trong lúc chờ quyết định chọn nơi chôn
cất. Lão hủ yêu cầu tất cả những người có mặt lúc ấy giữ bí mật cho tới khi
mình tìm thấy tân lang, dù tiểu tử còn sống hay đã chết. Rồi lão hủ cùng
Khổng chưởng quỹ và gia nhân tất tả ra ngoài tìm nhi tử.
“Cả ngày hôm đó, bọn lão hủ chạy ngược chạy xuôi khắp trấn và vùng
ngoại ô, hỏi han khắp các nơi, nhưng tới tận nhá nhem tối vẫn không tìm
được bất cứ manh mối nào. Trên đường quay về tư gia, bọn lão hủ thấy một
ngư dân đang chờ trước cổng. Người này đưa cho lão hủ một dải dây lưng
bằng lụa bị mắc vào lưỡi câu khi y câu cá trên hồ. Lão hủ không cần xem
xét cái tên được thêu trên lớp vải lót cũng nhận ra ngay lập tức dây lưng
của tệ nhi tội nghiệp. Cú sốc thứ hai này thật vượt quá sức chịu đựng, lão
hủ ngã vật ra và ngất đi. Khổng chưởng quỹ và gia nhân phải dìu lão hủ lên
giường. Hoàn toàn kiệt sức, lão hủ nằm mê mệt tới tận sáng hôm nay.
“Ngay khi tỉnh giấc, lão hủ nhớ ngay tới bổn phận của mình với bên thông
gia, bèn vội vàng tới Lưu gia báo hung tin. Thay vì cùng lão hủ than khóc
trách cứ số mệnh tàn nhẫn đã cướp đi những đứa con của hai nhà, kẻ vô
tâm kia lại trút những lời buộc tội hoang đường nhất lên đầu lão hủ và đe
dọa kiện lão hủ ra trước công đường. Bần nho cúi xin đại nhân minh xét để
ban công lý cho lão hủ, kẻ trong một ngày đã mất đi cả nhi tử duy nhất lẫn
tân nương của nó, phải đối diện với nỗi khổ khủng khiếp bị tuyệt tự!”
Dứt lời, vị học sĩ khấu đầu dập trán xuống sàn vài lần.
Huyện lệnh ra hiệu cho lục sự đọc to lời ghi lại khẩu cung của Giang học sĩ,
ông ta đồng ý điểm chỉ vào bản ghi. Tiếp theo ông lên tiếng, “Giờ ta sẽ
nghe khẩu cung từ các nhân chứng của bên nguyên và bên bị. Truyền Vạn
Nhất Phàm ra trước công đường!”