có ở trong nước để được đáp ứng đời sống là những mẫu chuyện quen
thuộc mà bà thường nghe các cô thợ xầm xì bàn tán. Bà không hiểu thanh
niên Việt Nam hiện thời được giáo dục và ảnh hưởng những truyền thống
và phong tục tập quán nào và anh Duy Anh kia là mẫu người nào trong các
câu chuyện xầm xì kia, tuy nhiên, bà không bao giờ tin được tình cảm của
thanh niên trẻ như anh ta là tình yêu chính chắn hay vĩnh viễn. Cũng vì hiểu
rõ tình cảm bồng bột và bất nhất của giới trẻ, bà không muốn rao bán
chuyện người đang thầm yêu trộm nhớ bà, cũng như không muốn ai chọc
ghẹo nỗi niềm riêng nhất thời của anh ta. Bà cũng không thể đề nghị với
ông Hoàng cho anh ta ngưng việc khi anh ta không làm một lỗi nhỏ nào
trong công việc anh đương nhiệm. Nếu bà kể cho ông Hoàng nghe sự tình
xảy ra giữa anh ta và bà, chắc chắn ông sẽ cười lớn vì không tin được
chuyện tình cảm mơ hồ và khó tin kia xảy ra trên đời.
- Hãy nhìn người cởi mở một tí, đừng nên “dị ứng” với những người trẻ
tuổi khi họ có chức vị. Tại con mình không thích ngành mình đang làm chứ
không anh cũng muốn chúng quản lý tiệm hơn là làm bồi bàn hay bán hàng
vặt vãnh.
Khóa xe và bước ra ngoài, ông Hoàng đến cửa hành khách mở cửa xe cho
bà Kim Cúc. Nghiêng người bước ra ngoài, bà mỉm cười bảo ông:
- Không phải là anh đã cương quyết nói là không bao giờ cho con đến tiệm
vì sợ chúng nhìn cảnh làm cực khổ của tụi mình và không phải là anh luôn
nói là muốn con mình làm khác nghề của chúng ta sao?
- Đúng vậy, nhưng anh đưa điều này ra lúc này là muốn thuyết phục em
xem Duy Anh như con cháu mình mà đừng thành kiến với nó.
- Em không tệ đâu, nhưng xét người phải cần thời gian.
- Trực giác cũng cho mình cảm nhận người tốt hay xấu, em đừng lo lắng
quá!
Dứt lời ông Hoàng mở cửa kính của tiệm Bàn Tay Đẹp và nhường lối cho
bà Kim Cúc bước vào.