Rồi trên đường đi thỉnh kinh, có một lần đánh thua yêu quái, Tôn
Ngộ Không quay về trường cũ nhờ thầy giúp đỡ. Khi đến nơi,
than ôi, cảnh cũ vẫn còn đây mà người xưa đã không còn. Vẫn còn đó
con suối, những tảng đá, rừng tre...nhưng mạng nhện đã phủ đầy.
Những hình ảnh học trò dập dìu luyện công, chặt tre gánh nước đã
không còn nữa, thay vào đó là màu tang úa của thời gian. Tôn Ngộ
Không chạy đi tìm thầy, tuyệt vọng gọi tên sư phụ. Đáp lại chỉ là
tiếng vi vu gió ngàn. Bỗng dưng, trong không trung, tiếng thầy
văng vẳng, “ta không còn là thầy của người nữa, người hãy đi đi”.
Chính hành động cãi lời thầy năm xưa, chính sự ngỗ nghịch của
mình đã khiến bao người liên lụy, bao thế hệ đã không có được
khai tâm khai sáng nữa. Bồ Đề Sư Tổ, vì sai lầm của học trò mà
đã phải trở lại cuộc sống ẩn cư của một ẩn sĩ. Có người trách thầy
sao vì một con sâu mà nồi canh phải bỏ, nhưng Sư Tổ biết rằng,
cái sai của ông là đã trao gươm báu vào tay người không xứng đáng,
để phải hổ thẹn với đất trời. Trong lúc Tôn Ngộ Không đang quậy
nát thiên cung, thì có lẽ lòng Bồ Đề Sư Tổ hối hận khôn nguôi.
Ông đã chữa sai bằng cách đóng cửa trường và đi đâu không rõ.
Suốt các tập tiếp theo của Tây Du Ký, đã không ai còn nhắc đến
tên Bồ Đề Sư Tổ nữa. Nhắc mà chi, khi lòng người ta đã không
muốn nữa rồi.
Giọt nước mắt ân hận muộn màng của Tôn Ngộ Không rơi trên sân
trường cũ, khiến người xem vừa thương vừa giận. Bài học của mình
là gì? Đã mang phận học trò, trong vạn ông thầy, mình tìm đúng
sư, thì hãy học đạo cho trọn. Một con người sống trên đời, gánh
trên vai bao nhiêu là quan hệ. Nghĩa vua-tôi nay là trách nhiệm một
công dân với đất nước, đạo cha-con, đạo thầy trò, đạo vợ- chồng,
nghĩa bạn bè…Có bao nhiêu ấy là ân tình, nghĩa tình, mình oằn
vai gánh nặng, trả hoài không hết một đời người đâu các bạn ạ.