rất cảnh giác, không vội đụng ngay, thường là đợi sói đầu đàn vốn rất thính
mũi dò bằng được bẫy lôi lên, chúng mới ăn con cừu. Đám dân công không
dùng cách này. Chúng đặt bẫy ở những nơi có nhiều sói, bên cạnh bẫy
chẳng có gì hết, không xác cừu, không xương cốt, mặt đất bằng phẳng. Các
cậu đoán xem họ lấy gì làm mồi nhử? Đánh chết các cậu cũng không đoán
ra…Họ trộn phân ngựa với mỡ cừu nấu chảy, vớt ra phơi khô, rồi tán nhỏ
cục phân ngựa sặc mùi mỡ cừu đó rắc nơi đặt bẫy, rắc nhiều lượt, lượt nào
cũng dẫn đến bẫy. Mồi nhử đấy! Khi sói đi qua ngửi thấy mùi cừu, lại
không thấy con cừu chết nào, xương xẩu cũng không thì rất dễ mất cảnh
giác, ngửi trước ngửi sau, ngửi đi ngửi lại, cuối cùng sập bẫy. Các cậu bảo
chiêu này độc đấy chứ, ăn trộm gà mà một nhúm gạo cũng không mất! Lão
Vương bảo, quê lão dùng cách này, sói không còn một mống.
Trần Trận không nghe tiếp được nữa. Cậu đẩy cửa, bước ra chuồng sói con.
Cả ngày không gặp, sói con cũng nhớ cậu. Từ lâu sói con đã hân hoan đứng
tận mép chuồng vẫy đuôi đón cậu bước vào chuồng. Trần Trận ngồi xuống
ôm cổ con sói, áp mặt vào đầu nó rất lâu không nỡ rời. Đêm thu trên thảo
nguyên, trăng lạnh, bãi chăn mới rộng mênh mông, tiếng sói tru ảo não đã
rất xa. Trần Trận không còn lo sói mẹ về cướp con, nhưng lúc này cậu rất
mong sói mẹ về đem con đi, lên mãi vùng biên giới phía bắc…
Có tiếng chân dừng phía sau, câu nghe thấy tiếng nói của Dương Khắc:
Nghe Lanmutrăc nói, anh ấy trông thấy sói chúa dẫn đàn sói vượt đường
biên phòng, chiếc xe Gát của Đoàn bộ không đuổi kịp. Mình nghĩ, chắc sói
chúa không bao giờ trở lại Ơlôn nữa.
Trần Trận trằn trọc thâu đêm.