từ chỗ của Lý An Dân trông lại chỉ thấy được một bên mặt của người con gái
ấy. Da cô rất trắng, hai má đỏ hồng, mi mày đen nhánh, tựa như trang điểm
đậm, cô ta đội một cái mũ đính ngọc với rất nhiều quả cầu bông màu sắc, vận
một bộ váy dài xẻ ba tà màu đỏ thắm, bên hông đeo một dải tua rua bằng vàng,
vải vóc cô mặc đều thêu hoa mẫu đơn, sắc đen thì đen như mực, sắc đỏ thì đỏ
tựa máu.
Kiểu ăn vận này rất giống với trang phục cô dâu cuối thời nhà Thanh, mà
cô gái trong bộ quần áo kì lạ ấy lặng lẽ đứng yên trước thân cây không hề nhúc
nhích, Lý An Dân hoảng hốt trong lòng, không dám quay sang nhìn kỹ, cắm
đầu đi vội.
Thượng nguồn con suối là một thôn nhỏ chừng mười mấy hộ, có tên là
thôn “Dư Miêu”, Lý An Dân và Lư Ngư chỉ vừa mới đến đầu thôn đã nghe
thấy tiếng chiêng trống vang lên rộn rã, hai bác gái đang đứng trước cửa thôn,
trên ngực cài hoa hồng, khủy tay đeo giỏ trúc, vừa thấy hai người Lý An Dân
đã đi tới chào hỏi: “Đây không phải là Tiểu Lư đấy sao?”
“Chào bác Trương, bác Chu, bữa nay là ngày gì vậy ạ? Trong thôn náo
nhiệt quá, đang đón Tết sớm đấy ư?”
Dân trong thôn Dư Miêu đều biết Quản sư phụ làm con rối, vì trong
xưởng rối của Quản sư phụ không có căng tin, bình thường đều ra quán Đạo
Hương dùng bữa, mà ông chủ Lư Ngư đây lại thường xuyên đến thăm Quản sư
phụ, mỗi lần vào thôn đều đi ăn uống với anh ta, vài ba lần rồi dĩ nhiên cũng
trở thành người quen của thôn này.
Bác Chu thân thiết nói với Lư Ngư: “Có phải ăn Tết gì đâu, là nhà ông
Lưu có đám cưới, con trai lớn cưới vợ thành phố làm ông ấy vui quên trời quên
đất, con dâu còn chưa đón về nhà đã náo nhiệt cả thôn thế này đấy.”