Tải Ebook miễn phí tại: Chiasemoi.com
Tôi không nói gì nữa. Chuyện chẳng có gì vui, lại chẳng liên quan gì đến tôi. Tuy nhiên, tôi không thể thôi nghĩ đến
thuở nhỏ anh em tôi lớn lên trong một mái nhà, nơi mọi thứ hoàn toàn khác. Nhà tôi có bốn anh em trai trạc tuổi nhau.
Cũng như bao cậu bé khác, chúng tôi rất nghịch ngợm. Thường xuyên. Nhưng ngay khi bắt đầu hơi quá đáng, cha tôi
liền hăm dọa “liệu hồn”. (Tôi không biết có đứa nào hiểu chính xác nghĩa của từ đó không, nhưng với ánh mắt và giọng
điệu gầm gừ của cha, rõ ràng “liệu hồn” là có chuyện không ổn cho cả bọn.)
Dĩ nhiên, đó là khi chúng ta còn nhỏ. Đến tuổi dậy thì, mối quan hệ giữa bạn và cha mẹ đã trở nên gắn bó. Với cách
giáo dục ấy trong nhà, chúng tôi không thể không tôn trọng cha mẹ.
Thế nhưng, tôi lại có vài người bạn nói rằng họ trải qua những tình huống tương tự như John và Nancy. Họ than phiền
con cái họ học dở và cư xử vô lễ, thiếu tôn trọng người khác, không có mục đích sống cũng như quá tự cao tự đại.
Tôi nhận thấy đa số họ không đề cập đến vai trò của mình trong những sự việc đang diễn ra. Nhiều người sẽ có thể cải
thiện được tình hình bằng cách nghĩ đến việc thay đổi phương pháp giáo dục của mình, thay vì cứ chăm chăm thay đổi
con cái.
Tôi biết đây là một đề tài khá nhạy cảm. Những ai từng làm con, hoặc đã làm cha mẹ – nói tóm lại là tất cả chúng ta –
đều là chuyên gia về vấn đề này. Nhưng còn công việc nào quan trọng hơn nữa không?
Trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ như chúng ta là phải giáo dục con cái về những hệ quả trong hành vi
của chúng. Điều này buộc bạn phải giao tiếp thường xuyên (thỉnh thoảng có biện pháp trừng phạt) với con. Thế
nhưng, theo một nghiên cứu mới đây, mỗi tuần một phụ huynh bình thường chỉ dành khoảng ba phút rưỡi để trò
chuyện thật sự với con mình. Hèn gì ngày càng lắm trẻ con hư hỏng.
Vậy cha mẹ nên trao đổi với con cái những gì? Ban đầu, hãy hướng dẫn, thông cảm và góp ý cho con những chuyện
đúng sai. Dạy cho con tầm quan trọng của giáo dục và tính cần cù. Quan trọng nhất là cha mẹ phải thể hiện tình
thương yêu vô bờ của mình, nhưng không nuông chiều quá mức. Bọn trẻ phải hiểu cuối cùng tất cả chúng ta là người
đón nhận hệ quả.
Một điều nữa là thế giới bên ngoài rất phức tạp. Điển hình như vào năm 1940, các giáo viên cho rằng bảy lỗi mà con
trẻ hay mắc phải nhất là nói leo, nhai kẹo cao su, làm ồn, chạy nhảy trong hành lang, chen lấn không xếp hàng, ăn mặc
không phù hợp và xả rác. Ngày nay, những vấn đề đó chuyển sang nghiện ngập, rượu bia, mang thai, tự tử, cưỡng hiếp,
cướp của và hành hung.
Chúng ta có thể suy xét về nguyên nhân của tình trạng này – bạo lực và tình dục chiếm lĩnh các chương trình truyền
hình, phim ảnh và game; hàng triệu gia đình thiếu vắng sự hiện diện của người cha; và nhiều lý do khác – nhưng
không thể phủ nhận sự xuống cấp của văn hóa nói chung.
Làm cha mẹ thời nay không dễ. Thế ta mới hiểu trở thành người cha, người mẹ tốt là chuyện cần kíp hơn bao giờ hết.
Nhà trường dạy cho bọn trẻ biết đọc biết viết, các môn khoa học tự nhiên, lịch sử, toán học (nên là như thế)… nhưng
việc dạy cho chúng hiểu tầm quan trọng của công việc, sức khỏe, tiền bạc, mối quan hệ, đạo đức… lại phụ thuộc vào
chúng ta.