người có khả năng hiểu và đánh giá những gì mà nhân viên tài chính trình bày và
đặt ra cho họ những câu hỏi đích đáng. Các con số sẽ không còn khiến bạn kinh
hãi.
Nó sẽ không chiếm nhiều thời gian, nó tương đối nhẹ nhàng, và nó sẽ rất có
ích cho sự nghiệp của bạn. Nào, chúng ta hãy cùng bắt đầu!
HỘP CÔNG CỤ
NHẬN VỀ NHỮNG GÌ BẠN MONG MUỐN
Hãy tưởng tượng sự kinh ngạc trên khuôn mặt của cấp trên khi bạn đề nghị
tăng lương – và trong đề nghị của mình, bạn đưa ra một phân tích chi tiết về bức
tranh tài chính của công ty, cho thấy chính xác đơn vị của bạn đã đóng góp thế nào
cho công ty.
Xa vời ư? Không hẳn. Khi bạn đọc xong cuốn sách này, bạn sẽ biết làm sao để
thu thập và diễn giải những dữ liệu như sau:
Tăng trưởng doanh thu, tăng trưởng lợi nhuận và những cải thiện trong lợi
nhuận biên của công ty trong một năm qua. Nếu hoạt động kinh doanh thuận
lợi, ban quản lý cấp cao có thể trù tính các kế hoạch và cơ hội mới. Họ sẽ cần
đến những người có kinh nghiệm − như bạn.
Những thách thức tài chính còn tồn đọng. Tỷ lệ luân chuyển hàng tồn kho có
thể cải thiện không? Lợi nhuận gộp hay kỳ thu tiền thì sao? Nếu bạn có thể đề
xuất những cách thức cụ thể để cải thiện hiệu quả tài chính của doanh nghiệp,
thì cả bạn và cấp trên đều trở thành những con người khôn ngoan.
Tình trạng tiền mặt của công ty. Có lẽ bạn có thể chỉ ra rằng: dòng tiền tự do
của công ty đủ để tăng lương cho những nhân viên mẫn cán.
Điều tương tự cũng sẽ diễn ra khi bạn áp dụng cho công việc tiếp theo. Các
chuyên gia luôn khuyên những người tìm việc hãy đặt câu hỏi cho người phỏng vấn
− và nếu bạn đặt những câu hỏi về vấn đề tài chính, bạn sẽ cho họ thấy bạn có hiểu
biết về khía cạnh tài chính của doanh nghiệp. Hãy thử hỏi những câu đại loại như:
Công ty có sinh lợi không?
Nguồn vốn của công ty có dương không?
Hệ số thanh toán ngắn hạn có thể hỗ trợ quỹ lương không?
Doanh thu đang tăng hay giảm?