chính chúng tôi, trí tuệ tài chính không là gì khác hơn một tập hợp những kỹ năng
mà ta phải học và có thể học. Những người làm việc trong lĩnh vực tài chính rèn
luyện các kỹ năng này từ sớm, và trong suốt thời gian còn lại của sự nghiệp, họ có
thể nói chuyện với người khác bằng thứ ngôn ngữ chuyên ngành. Hầu hết (chứ
không phải tất cả) các nhà điều hành cấp cao hoặc có xuất phát điểm từ tài chính,
hoặc đã tích lũy các kỹ năng này trên hành trình thăng tiến, chỉ bởi thật khó điều
hành một doanh nghiệp nếu không hiểu nổi dân tài chính nói gì. Những nhà quản lý
không làm tài chính thường xuyên gặp vận rủi. Họ không bao giờ tích lũy các kỹ
năng này, và vì thế, họ bị gạt ra rìa.
Về cơ bản, trí tuệ tài chính có thể đúc rút thành 4 nhóm kỹ năng riêng biệt, và
khi hoàn thành xong cuốn sách này, bạn cần thành thạo cả bốn. Đó là:
Thông hiểu kiến thức cơ bản. Những nhà quản lý thông minh về tài chính hiểu
rõ các yếu tố cơ bản trong phép đo lường tài chính. Họ có thể đọc báo cáo kết
quả kinh doanh, bảng cân đối thu chi, và báo cáo dòng tiền. Họ biết lợi nhuận
khác tiền mặt chỗ nào. Họ hiểu tại sao bảng cân đối thu chi lại… cân đối.
Những con số không làm họ sợ hãi hay hoang mang.
Thông hiểu thủ thuật. Tài chính và kế toán vừa là một môn nghệ thuật, vừa là
một môn khoa học. Hai ngành này phải cố định lượng những thứ không phải
lúc nào cũng có thể định lượng, và do đó, chúng phải dựa vào các quy tắc, ước
tính và giả định. Các nhà quản lý có trí tuệ tài chính có thể xác định đâu là nơi
khía cạnh nghệ thuật tài chính được áp dụng vào các con số, và hiểu rõ những
cách áp dụng khác nhau có thể dẫn đến những kết luận khác nhau như thế nào.
Vì lẽ đó, họ sẵn sàng đặt câu hỏi và chất vấn các con số khi thích hợp.
Thông hiểu phép phân tích. Một khi đã có hiểu biết nền tảng và đúng đắn về
nghệ thuật tài chính, bạn có thể sử dụng thông tin để phân tích các con số ở
tầng sâu hơn. Các nhà quản lý có trí tuệ tài chính không lùi bước trước các con
số tỷ lệ, phép phân tích tỷ suất hoàn vốn đầu tư (ROI – return of investmet), và
các vấn đề tương tự. Họ sử dụng những phân tích này để có thêm thông tin
cho quyết định của mình, và nhờ thế mà có quyết định sáng suốt hơn.
Thông hiểu bức tranh toàn cảnh. Cuối cùng, mặc dù là những người giảng dạy
tài chính, và mặc dù cho rằng tất cả mọi người cần thông hiểu phương diện
con số trong hoạt động kinh doanh, song chúng tôi cũng tin chắc rằng con số
không thể và không nói lên toàn bộ câu chuyện. Kết quả tài chính của một
doanh nghiệp phải luôn được hiểu trong bối cảnh – tức là, trong khuôn khổ