Năm Trinh Quán thứ bảy, Tương Châu đô đốc Trương Công Cẩn
qua đời, Thái Tông nghe nói, rất đau buồn, theo tang lễ trú ở ngoại
thành và phát tang cho ông. Có người tấu rằng:
− Theo sách âm dương nói: “Ngày tang vào ngày Thìn, không
được khóc”. Đây cũng là quy định theo phong tục truyền lại.
Thái Tông nói:
− Tình nghĩa vua tôi giống như cha con, đau buồn xuất phát từ
nội tâm, sao tránh kỵ ngày Thìn?
Thế rồi khóc Trương Công Cẩn.
✽✽✽
Năm Trinh Quán thứ mười chín, Thái Tông chinh phạt Cao Ly,
đóng trại ở Định Châu. Có binh sĩ đến, Thái Tông đích thân đến cửa
bắc thành để vỗ về úy lạo họ. Có một binh sĩ tùy tùng bệnh nặng,
không thể tân kiến, Thái Tông xuống chiếu sai người đến trước giường
của anh thăm hỏi bệnh tình rồi sắc lệnh châu huyện chữa trị cho anh.
Do đó tướng sĩ đều vui mừng nguyện theo Thái Tông xuất chinh. Đến
khi đại quân về kinh đóng trại ở Liễu Thành, Thái Tông chiếu lệnh thu
thập hài cốt các tướng sĩ trận vong, bày bò, dê, heo long trọng tế lễ.
Thái Tông đích thân đến tế lễ, khóc lóc, mọi người trong quân ai cũng
mủi lòng. Các binh sĩ tham gia lễ tế về nhà kể lại chuyện này, cha mẹ
họ nói:
− Con trai chúng ta chết trận, thiên tử khóc cho chúng, chết cũng
không di hận.
Thái Tông chinh phạt Liêu Đông, đánh thành Bạch Nham, Hữu
vệ đại tướng quân Lý Tư Ma bị loạn tên bắn trúng, Thái Tông đích
thân hút máu cho ông, tướng sĩ không ai không cảm động.