Trời đã về chiều, Hoàng hậu bảo:
- Hoàng đế cho người ra bắt con về chứ sao để vậy?
- Bắt về làm gì? Xem như nó không còn nữa!
- Nhưng tai tiếng?
- Thì làm sao được? Bắt nó về thì hết tai tiếng à?
Vợ chồng Hoàng đế Sư Bạc cho rằng đó là việc xấu. Phong tục và quần
chúng bảo đó là tiếng xấu, nhưng một điều lạ là những người nào nghe
được tiếng đàn và thấy được hình dung Thiện Hữu - họ chỉ biết cái thật ấy,
họ làm gì biết cái danh Hoàng tử của chàng - họ đều cảm mến đức hiền của
chàng. Ở chàng đã tỏa ra một cái gì bao bọc mọi người. Họ biết và có kẻ
hôm nay thấy tận mắt Công chúa vua họ theo Thiện Hữu.
Nhưng họ cho là chuyện phúc. Họ trái tất cả tập quán và không suy nghĩ,
không phân tích, không lý do. Thì ra đức hiền của người có khi đảo lộn cả
tập tục, đúng hơn cả một quan niệm xã hội.
Chính họ khuyên Thái tử, khi chàng từ chối Công chúa.
- Người bằng lòng đi. Người đỡ lận đận cho chúng tôi mừng. Cho tiếng đàn
người còn mãi mãi với chúng tôi.
- Nhưng phiền cho Công chúa và cho tôi lắm. Tôi biết... Uy quyền của một
ông vua, khi ông bất bình. Tôi, kẻ ăn mày thì sợ gì ai, nhưng thân công
chúa! Nói gì công chúa cũng không nghe. Nàng về với chàng trong sự hoan
hỷ của những người mục kích đang thân mến nhìn theo.
Thiện Hữu tuy được vợ hiền, nhưng chàng không thay đổi. Tiếng đàn
chàng đêm khuya vẫn trỗi dậy. Tiếng đàn bi thảm biểu diễn nỗi khổ vô biên
của kiếp người, tiếng đàn cao hùng bộc lộ chí cao, cái hạnh cả muốn giúp
người, cứu khổ cho người, tiếng đàn dũng mãnh toát hết cái chí hiên ngang
của đấng đại trượng phu. Có khi tiếng đàn như tung không gian mà lên, có
lúc như dấn mình xuống lao khổ... Có đêm điệu đàn bỗng lạc điệu: một
điệu buồn thảm của kẻ nhớ cha, nhớ mẹ. Ðiệu đàn nghe chết cả lòng.
Công chúa sống cạnh chàng, lòng lên xuống đúng tiếng đàn của chàng.
Nàng lấy làm lạ: Người ấy, tiếng đàn ấy, Công chúa nghĩ:
- Khả nghi lắm!
Nàng khóc: