làm quan thuế vụ ở huyện Sa. Lý Cương lại dâng lên nhà vua cuốn "Ngự
nhung ngũ sách", chủ trương thu phục lòng người, đối xử ưu đãi với nhân
dân, tích góp tiền của để tăng cường sức nước. Nhưng nhà vua không chấp
thuận và bày tỏ muốn bỏ Biện Kinh trốn xuống miền nam, giao cho Thái tử
ở lại giữ Biện Kinh. Lý Cương liều chết viết huyết thư khuyên nhà vua nên
nhường ngôi cho Thái tử, để hiệu triệu thiên hạ chống giặc Kim. Tống Huy
Tông làm theo, rồi cuống cuồng chạy trốn xuống Trấn Giang.
Lý Cương cực lực phản đối việc bỏ trốn, ông chủ trương kiên quyết
chống trả, vua Tống Khâm Tông chấp thuận và phong ông làm Binh Bộ
Thị Lang. Năm Tịnh Khang thứ nhất, Tống Khâm Tông ngự giá thân chinh,
nhưng quân Tống bị thua mấy trận liền, mà tình hình Biện Kinh lúc đó
càng trở nên nguy ngập, tể tướng Bạch Thời Trung và Lý Bang Ngạn
khuyên nhà vua bỏ trốn. Lý Cương biết tin này liền xin gặp vua và nói
rằng: "Thái Thượng Hoàng nhường ngôi cho bệ hạ, chính là mong bệ hạ
trấn giữ kinh thành, bệ hạ làm sao lại có thể bỏ trốn?". Sau đó, Lý Cương
còn nêu ra nhiều kế hoạch phòng thủ, mong nhà vua đoàn kết quân dân
cùng nhau trấn giữ, đợi tới khi viện binh các nơi kéo đến rồi sẽ tổ chức
phản công. Tống Khâm Tông liền phong Lý Cương làm Thượng Thư Tả
Thừa, kiêm phụ trách toàn tuyến phòng thủ Biện Kinh.
Nguyên soái nước Kim thấy dùng sức mạnh quân sự không thể giành
được thắng lợi, bèn quyết định dùng kế dụ hàng. Bấy giờ, triều đình nhà
Tống đang ngập ngụa trong bầu không khí đầu hàng và đồng ý cắt đất xin
cầu hòa. Dưới sự thao túng của phái đầu hàng, đứng đầu là Lý Bang Ngạn
đã bãi miễn hết mọi chức vụ của Lý Cương và Chủng Sư Đạo, rồi đến nhận
lỗi và xin cầu hòa với giặc Kim. Phái chủ chiến đứng đầu là thái học sinh
Trần Đông, đã cùng hơn trăm nghìn quân dân dâng thư yêu cầu cách chức
Lý Bang Ngạn. Trước sức ép này, Tống Khâm Tông đành phục chức cho
Lý Cương và Chủng Sư Đạo. Sau khi triều nhà Tống nhận cắt nhượng ba
thị trấn ở Hà Bắc, quân nước Kim mới chịu rút về.